BÀI CẢM TƯỞNG CỦA ĐẠI TƯỚNG CHU HUY MÂN TẠI KHU DI TÍCH KIM LIÊN
17/03/2023 1:30:12 CH

Hiện nay, tại Khu di tích Kim Liên còn lưu giữ bài cảm tưởng được ghi trong sổ vàng lưu niệm của Đại tướng Chu Huy Mân, khi ông về thăm Khu di tích ngày 23/11/1990. Tuy chỉ có mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ viết đã rung do tuổi cao nhưng nội dung bài viết chất chứa niềm kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những trăn trở đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913 – 17/3/2023), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới  quý độc giả nguyên văn nội dung bài cảm tưởng của ông  và cùng nhau ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của một vị tướng tài năng đức độ của quân đội nhân dân Việt Nam.  
Trước bàn thờ Bác kính yêu tại Khu di tích Kim Liên chúng cháu ôn lại những lời Bác đã dạy càng thấm sâu công ơn trời biển của Bác.
Từ ngày Bác đi xa đến nay, mọi mặt của đất nước đã phát triển tốt nhưng trước mắt còn những khó khăn, lối sống của một số cán bộ trái với những lời Bác dạy, cháu cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng có lỗi với hương hồn Bác.
Để trung thành với con đường mà Bác  đã lựa chọn – độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, toàn đảng và nhân dân ta đã nỗ lực vượt khó khăn làm tốt sự nghiệp Bác để lại.
Riêng cháu sẽ rèn luyện hơn nữa trong những năm cuối đời nguyện xứng đáng là học trò nhỏ của Bác
Chu Huy Mân
23-11-1990”.
Dù là một Đại tướng lẫy lừng nhưng trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông vẫn chỉ nhận mình là “học trò nhỏ của Bác”.
Chúng ta đều biết rằng Đại tướng Chu Huy Mân – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh ngày 17/3/1913, tại xã Yên Lưu, Tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Tên khai sinh là Chu Văn Điều, là con út trong một gia đình có 8 người con, bố là Chu Văn Quý; mẹ là Trần Thị Xân.
Ngay từ những năm tháng đầu tiên tham gia cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân đã gắn bó với lực lượng vũ trang. Tài thao lược của đồng chí gắn liền với nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong cao trào Xô viết Nghệ – Tĩnh 1930 – 1931, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo Đội Tự vệ đỏ đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng. Trên cương vị Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo phục hồi  phong trào  sau “khủng bố trắng” của thực dân Pháp (1933 – 1935) và tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong giai đoạn 1936 – 1939.
Trong giai đoạn 1937 – 1942, đồng chí Chu Huy Mân nhiều lần bị địch bắt, giam cầm, đánh đập, tra tấn dã man và đưa đến nhiều nhà lao. Trong chốn lao tù, đồng chí luôn giữ vững khí tiết của một người cộng sản kiên trung.
Tháng 8/1945, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa chiếm thành Quảng Nam, tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tại tỉnh Quảng Nam giành thắng lợi. Cuối năm 1945, đồng chí được Trung ương điều ra Huế giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu C (gồm 4 tỉnh Bắc Trung Bộ). Sau đó, lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Quân đội và của Đảng, Nhà nước trên các mặt trận nóng bỏng, ác liệt nhất ở cả trong nước và các nước bạn Lào, Trung Quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của địch. Khu 5 là địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội, như trận Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me – Ia Đrăng.
Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục tham gia công tác trong quân đội. Đồng chí đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương và quyết sách đúng đắn, đồng thời, trực tiếp lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chăm lo xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy và từng bước hiện đại”.
Đồng chí Chu Huy Mân đã tỏ rõ tài năng, sự sáng tạo đầy bản lĩnh với sự quyết đoán cao của nhà lãnh đạo quân sự – chính trị toàn diện, đã hoàn thành mọi nhiệm vụ quốc tế rất khó khăn, phức tạp mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho. Thành công đó biểu thị tinh thần quốc tế trong sáng của anh Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất cao quý của nhà chỉ huy quân sự – chính trị xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Chu Huy Mân luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân. Đồng chí suốt đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, thực sự “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, không chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách, luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm, khó khăn nhất, chung lưng, đấu cật với đồng chí, đồng đội, sâu sát cơ sở, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.
Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân từ buổi ban đầu cho đến khi giữ những cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Quân đội, đồng chí luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ và trọng trách vào những thời điểm khó khăn. Với bản lĩnh và tài năng, đồng chí luôn xông xáo, thâm nhập sâu vào cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ, gắn bó, lăn lộn trong các phong trào cách mạng, các chiến trường gian khổ, một lòng, một dạ cống hiến hết mình, tìm tòi, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng thành công.
Sinh thời, đồng chí từng nói với các đồng đội: “Vinh quang nhất của cuộc đời là được cống hiến, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân; tôi vào Đảng là hoàn toàn tự nguyện, suốt đời hy sinh, chiến đấu vì Tổ quốc, vì Nhân dân”.
Tưởng nhớ Đại tướng Chu Huy Mân, chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu rèn luyện, nỗ lực nhiều hơn nữa, góp công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 

Nguyễn Ngọc Trung

Thông tin tham quan

Liên kết website