CAO TRÀO XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH 85 NĂM NHÌN LẠI
11/09/2015 9:24:53 CH
Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) là mốc son lịch sử sáng ngời, là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử đấu tranh của cách mạng Việt Nam. Từ cuối năm 1929 chủ nghĩa tư bản lâm vào một cuộc khủng hoảng lớn. Giai cấp tư sản Pháp lúc đó tìm mọi cách để trút gánh nặng kinh tế lên lưng nhân dân các nước thuộc địa. Cũng trong thời gian này ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới tác động mạnh đến phong trào yêu nước và cách mạng ở nước ta.

Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) là mốc son lịch sử sáng ngời, là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử đấu tranh của cách mạng Việt Nam. Từ cuối năm 1929 chủ nghĩa tư bản lâm vào một cuộc khủng hoảng lớn. Giai cấp tư sản Pháp lúc đó tìm mọi cách để trút gánh nặng kinh tế lên lưng nhân dân các nước thuộc địa. Cũng trong thời gian này ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới tác động mạnh đến phong trào yêu nước và cách mạng ở nước ta.
          Ở Việt Nam thực dân Pháp ra sức bóc lột, khai thác, tăng thuế nhằm bù đắp thua thiệt do cuộc khủng hoảng gây ra. Đời sống của mọi tầng lớp nhân dân lao động hết sức cực khổ, đặc biệt là công nhân và nông dân. Người Việt Nam bị mất nước, bị làm nô lệ. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra đều bị đàn áp dã man. Mâu thuẫn giữa nhân dân ta và đế quốc Pháp ngày càng sâu sắc. Ngày 3/2/1930 Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập ở Trung Quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhiều tổ chức cộng sản đầu tiên trên đất Nghệ Tĩnh được thành lập. Sự ra đời của các chi bộ cộng sản đã thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển mạnh mẽ mà đỉnh cao là Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Phong trào này được mở đầu bằng cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của công nhân khu công nghiệp Bến Thủy và nông dân thuộc 5 xã ven thành phố Vinh. Từ đó đến tháng 8/1930, ở vùng Nghệ Tĩnh đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân, trong đó đáng chú ý là cuộc bãi công kéo dài của công nhân nhà máy Diêm. Cuộc bãi công này đã dẫn đến cộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Bến Thủy.
          Từ tháng 9/1930, các cuộc biểu tình tự vệ quy mô lớn kết hợp với các yêu sách chính trị liên tiếp nổ ra của nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc, Hưng Nguyên, vv…Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 tại Hưng Nguyên với hơn 8000 người tham gia được coi là đỉnh cao của Cao trào. Ngày 12/9 đã đi vào lịch sử đấu tranh của cách mạng Việt Nam và trở thành ngày cảm tử, ngày tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh làm cho bộ máy chính quyền Thực dân Pháp và bộ máy chính quyền địa phương của nhà Nguyễn lâm vào tình trạng tê liệt và tan rã. Dưới sự chỉ đạo cửa Đảng cộng sản Đông Dương, tổ chức nông hội (xã bộ nông) ở những nơi chính quyền tan rã đã kiểm soát và thành lập chính quyền mới với hình thức giống hệ thống Xô viết.
          Chính quyền Xô viết đầu tiên được hình thành hàng loạt tại nhiều xã thuộc các huyện, thị xã: Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Vinh – Bến Thủy, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hưng Nguyên, Hương Sơn…Các chính quyền Xô viết một mặt thi hành các chính sách mới, Mặt khác phá bỏ chính quyền cũ, trưng thu đất, thóc gạo, tiền bạc của các địa chủ, đồng thời ra yêu sách với các chủ xưởng, chủ tàu ở vùng này. Chính quyền mới ra đời do giai cấp công nhân lãnh đạo thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân, tổ chức sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Nguyễn Ái Quốc từng đánh giá: “ Tuy đế quốc đã dập tắt phong trào đó trong bể máu, nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc cách mạng tháng 8 thắng lợi lớn sau này “.
          85 năm đã qua nhưng Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Đây là cuộc tập dượt lớn đầu tiên của quần chúng công - nông ngay sau ngày Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Thắng lợi lớn nhất của Đảng là đội ngũ cán bộ Đảng viên và nhân dân ta được tôi luyện, trưởng thành trong cuộc đấu trang quyết liệt với kẻ thù; Khối liên minh công - nông được xây dựng vững chắc; rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng cách mạng, về kết hợp các hình thức đấu tranh, về quy luật giành và giữ chính quyền. Qua thực tiễn đấu tranh, nhân dân ta càng thấy được bộ mặt thâm độc, tàn bạo của kẻ thù đế quốc, phong kiến. Đồng thời cũng xây dựng và củng cố niềm tin vào việc nhân dân ta đủ khả năng lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, xây dựng xã hội mới; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tiền đồ của cách mạng để tiếp tục bền gan vững bước tiến lên. Xô Viết Nghệ Tĩnh khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân Nghệ Tĩnh.
          Thời gian đã lùi xa nhưng giá trị lịch sử của Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày càng có tác động sâu xa vào tiến trình cách mạng Việt Nam. Các thế hệ Việt Nam ngày nay rất đỗi tự hào và biết ơn về các thế hệ cha ông đã làm nên sự kiện vĩ đại này. Giá trị của nó đã trở thành truyền thống, trở thành giá trị văn hóa, trở thành một sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam nói chung và của quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng. Tiếp bước truyền thống cách mạng của cha anh, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh ra sức phấn đấu xây dựng quê hương xứng đáng với mảnh đất Xô viết anh hùng.
 

 Phùng Hương Giang
Phòng TTGD Khu di tích Kim Liên

Thông tin tham quan

Liên kết website