CÂU CHUYỆN: "GIỮ LẤY GỐC ĐÀO"
04/02/2015 9:17:35 SA
Mỗi dịp Tết đền, Xuân về hầu hết gia đình nào cũng mong muốn chọn để trưng bày trong nhà mình một cành đào. Bởi hoa đào là biểu tưởng của mùa xuân, của ước mơ, hi vọng về một năm mới sức khỏe dồi dào, nhiều điều may mắn. Nhân dịp đón Xuân mới ẤT MÙI xin gửi đến các bạn Câu chuyện "Giữ lấy gốc Đào" rút trong tập truyện "Mùa Xuân cụ Hồ" của tác giả Nguyễn Việt Hồng do Nhà xuất bảo Lao động ấn hành năm 1995. Đây là một câu chuyện rất giản dị trong muôn vàn câu chuyện kể về Bác Hồ kính yêu. Tuy nh

Mỗi dịp Tết đền, Xuân về hầu hết gia đình nào cũng mong muốn chọn để trưng bày trong nhà mình một cành đào. Bởi hoa đào là biểu tưởng của mùa xuân, của ước mơ, hi vọng về một năm mới sức khỏe dồi dào, nhiều điều may mắn.  Nhân dịp đón Xuân mới ẤT MÙI xin gửi đến  các bạn Câu chuyện "Giữ lấy gốc Đào" rút trong tập truyện "Mùa Xuân cụ Hồ" của tác giả Nguyễn Việt Hồng do Nhà xuất bảo Lao động ấn hành năm 1995. Đây là một câu chuyện rất giản dị trong muôn vàn câu chuyện kể về Bác Hồ kính yêu. Tuy nhiên điều mà chúng ta nhận thấy qua câu chuyện chính là lời dặn dò của Bác Hồ đối với đồng chí Chủ tịch xã và các cụ già xã Nhật Tân: "Phải giữ lấy gốc". Đây không hẳn chỉ là lời dặn giữ lấy gốc cây Đào mà càng suy ngẫm ta càng thấy nhiều ý nghĩa sâu xa đằng sau lời nói giản dị ấy. Giữ lấy cái gốc chính là giữ lấy cội nguồn, giữ lấy nền tảng đạo đức cách mạng.

Năm 1957, Bác Hồ và Chính phủ về Hà Nội đã được hai cái Tết.
Mấy cái Tết trước đó, các cụ trong xã Nhật Tân vẫn chưa thực hiện được ước vọng của nhân dân làng hoa là kính dâng lên Bác Hồ một cành đào đẹp, vừa có thể nói thay tấm lòng của người dân Hà Nội, vừa biểu thị tôn trọng sự thanh cao, chí thiện, tuyệt mỹ của người sẽ nhận...
Sợ Bác bận nhiều việc, nên năm ấy , các cụ đã nhờ Uỷ ban xã có giấy lên thưa trước với Bác.
Trong khi chờ đợi thư về, mà các cụ ai cũng tin chắc là Bác sẽ vui lòng nhận cho món quà tết dân dã, các cụ đã đi khắp 4 thôn trong xã để chọn, chọn một cây thôi, trong số hàng ngàn cây đào sẽ làm đẹp các gia đình thủ đô trong những ngày tới.
Chọn mãi, chọn mãi, hết vườn này sang vườn khác, quá ngọ ngày này hết buổi ngày mai, cuối cùng các cụ tạm ưng ý là lấy cây đào nhà ông Trần Văn Bất ở thôn Đông. Việc vui không ngờ, lại biết thêm điều vinh dự khiến ông Bất cứ xuýt xoa cám ơn các cụ mãi.
Sáng ngày 23 tháng chạp năm Bính Thân đồng chí Nguyễn Văn Tự, Chủ tịch uỷ ban xã và một số cụ cao tuổi thay mặt ông Trần Văn Bất mang theo cây đào, đi ô tô vào Phủ Chủ tịch.
Cây đào được "đánh" cả gốc, chằng buộc cẩn thận, hạn chế tối đa như các cụ dặn, không để gẫy cành, không làm hoa rụng... Trên tán mâm xôi có một băng lụa đỏ, nổi bật dòng chữ vàng, nắn nót "Nhân dân lao động xã Nhật Tân kính tặng Hồ Chủ tịch".
Cây đào đã đặt giữa phòng khách. Nhìn cây đào đẹp, vào đây hình như lại đẹp thêm, các cụ rất hài lòng. Cánh cửa phòng bên mở và Bác Hồ tươi cười bước ra.
Bác mời các cụ bà, cụ ông uống nước. Người hỏi thăm sức khoẻ và đời sống nhân dân trong xã. Đồng chí Tự thưa với Bác nhờ có Trạm y tế quận giúp đỡ, bà con biết giữ gìn vệ sinh phòng bệnh nên sức khoẻ nhân dân tốt. Năm nay không còn cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối, đã ăn đủ no mặc đủ ấm, các cháu đến tuổi đều cắp sách tới trường. Bác lại hỏi về tình hình nhân dân ăn tết hai năm ra sao...
Đồng chí Tự báo cáo:
- Thưa Bác, năm kia nhân dân ăn tết rất phấn khởi, vì là tết đầu tiên miền Bắc được giải phóng. Năm nay còn ăn to hơn. Cả xã đã chung đụng nhau 12 con trâu, bò, không kể lợn, gà để thịt Tết.
Tưởng là Bác khen, nào ngờ Bác lại trách:
- Chú là Chủ tịch mà cho thịt nhiều trâu, bò như thế, mai kia hết trâu, bò thì làm sao? chú kéo cày thay à...
Đồng chí Tự đứng như trời trồng, mặt xanh lại. Chắc là Bác "giận thì giận, thương thì thương" nên Người hỏi sang chuyện khác:
- Thế còn bánh chưng, chú chuẩn bị thế nào?
- Thưa Bác, năm nay mỗi nhân khẩu trung bình có 4 cái ạ.
Bác nheo mắt (sau này đồng chí Tự hiểu là Bác không thích hai chữ nhân khẩu nhưng Bác thương, Bác không chỉnh nữa vì ngày Tết mà)
- Chú lo Tết như thế là tốt, nhưng phải chú ý tiết kiệm. Đất nước còn nghèo, vừa trải qua chiến tranh, còn nhiều việc to phải làm...
Bác lại hỏi: - Vụ vừa qua, xã ta thu hoạch khá không? Đã chuẩn bị vụ Đông - Xuân đến đâu rồi...
- Dạ thu hoạch vụ mùa tốt, đã gieo xong mạ, cày bừa ngã cũng đã xong...
Đồng chí Tự nghĩ bụng Bác cứ tiếp tục hỏi mãi đời sống thì biết làm thế nào mà "vào đề" được! Nhân lúc Bác mời các cụ uống nước, đồng chí tranh thủ đứng lên:
- Thưa Bác ... năm ... mới...
Bác khẽ vịn tay vào vai đồng chí Chủ tịch xã ra hiệu ngồi xuống, rồi hỏi:
- Cây Đào này trồng đã được mấy năm?
Tuy là Chủ tịch xã, nhưng nhà đồng chí Tự lại không trồng Đào nên lúng túng. Chợt nhớ đào mỗi năm một lần cưa, lại thấy trên cây đã có vết cưa hai lần, Chủ tịch xã thưa:
- Dạ thưa Bác, các cụ xã cháu trồng kể từ ngày giải phóng Thủ đô nay đã được hai năm rồi ạ.
Bác khẽ tính: - Ba năm, đã ba năm, sao không cho tôi một cành thôi, còn để gốc lại sang năm có hoa mà chơi nữa chứ. Đánh cả gốc thì còn đâu cho năm tới.
Một cụ đỡ lời cho Chủ tịch xã:
- Thưa Bác, cây đào lớn đẹp, dâng tặng Bác cả gốc mới để được lâu...
Bác nói: - Xin cảm ơn các cụ và đồng chí Chủ tịch xã đã thay mặt đồng bào Nhật Tân tặng tôi cây đào đẹp để tôi vui tết. Nhưng năm sau, các cụ thôi không phải đem đào tặng tôi nữa. Tôi sẽ tự trồng cây đào này để mỗi năm có một cành đào Tết...
Người đưa cho đồng chí Tự mười tờ thiếp hồng "Chúc mừng năm mới" có chữ ký của Hồ Chí Minh, rồi dặn:
- Chú mang về tặng các cụ cao tuổi nhất trong xã hộ Bác...
Lên ô tô ra về, các cụ trầm ngâm như không được vui, vừa được gặp Bác Hồ mà sao lại thế!
Một cụ lẩm bẩm: - Phải giữ lấy gốc cây Đào... giữ lấy gốc
Chủ tịch Tự lại tự trách mình:
- Thế là sang năm mất cơ hội lên chúc tết Bác rồi...
Nhưng Tết năm ấy và các Tết năm sau ở các làng Nhật Tân ven Hồ Tây, quanh nồi  bánh chưng, nhân dân truyền tụng nhau một câu chuyện, như chuyện cổ tích về việc cụ Hồ dặn phải giữ lấy gốc cây Đào, phải giữ lấy gốc.
 Qua câu chuyện "Giữ lấy gốc Đào" chúng ta thêm một lần thấm nhuần sâu sắc hơn nữa phẩm chất đạo đức của Bác Hồ: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Tôi đã đọc câu chuyện "Giữ lấy gốc Đào" nhiều lần, mỗi lần đọc tôi lại càng thầm kính phục những cử chỉ, lời nói, hành động của Bác Hồ kính yêu - một lãnh tụ vĩ đại đồng thời cũng là một cụ già giản dị, mẫu mực, gần gũi và thánh thiện...
Bác căn dặn đồng chí Chủ tịch xã phải chú ý tiết kiệm, đất nước ta còn nghèo, còn nhiều việc to phải làm. Bác không đồng ý khi đồng chí Chủ tịch  xã dùng từ "mượn" một cách không cần thiết. Bác từng nói "Những từ nào mà tiếng Việt chúng ta đã có thì không nên dùng từ "mượn". Tại sao không nói "mỗi người" mà phải nói "mỗi nhân khẩu".... Từ cái nhỏ nhặt như cách dùng từ, Bác nhắc nhở đồng chí Chủ tịch và các cụ ông, cụ bà "Phải giữ lấy cái gốc". Cái gốc ở đây không chỉ là gốc cây đào, cái mà Bác của chúng ta muốn nói đến chính là đạo đức. Người từng viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Lê Bích Thủy
Phòng Hành chính tổng hợp

Thông tin tham quan

Liên kết website