CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI DI SẢN VĂN HOÁ
20/11/2022 11:19:38 SA
Dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, tạo nên một nền văn hóa riêng biệt, với những giá trị truyền thống tốt đẹp và đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì thế mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt coi trọng, giữ gìn, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa ấy. Theo Người những giá trị truyền thống đó có ý nghĩa linh thiêng, là tinh hoa, vốn quý, là bệ đỡ và cũng chính là cái làm nên hồn cốt của quốc gia, dân tộc.

Câu lạc bộ dân ca Khu di tích Kim Liên
tại cuộc thi hát dân ca vi giặm Nghệ Tĩnh do Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An tổ chức

 
Ngay từ thuở thiếu thời, đặc biệt là trong thời gian học tập tại Huế, trung tâm văn hoá giáo dục của Việt Nam lúc bấy giờ đã tác động rất lớn đến nhãn quan văn hoá của cậu bé Nguyễn Sinh Cung, là cơ sở vững chắc và là hành trang cho việc tiếp xúc và giao lưu văn hoá của Người sau này.
Trong quá trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, ngoài những hoạt động chính trị, để có những hiểu biết chính xác, toàn diện về lịch sử và truyền thống văn hoá của các dân tộc trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã giành không ít thời gian cho việc đi thăm quan, tìm hiểu các di tích và bảo tàng các nước Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ và những nơi Người đã có dịp đặt chân đến. Thời gian này để có điều kiện đi thăm các di tích và bảo tàng ở những khu vực khác Người đã phải hoà nhập, tham gia vào các tổ chức quần chúng như: "Hội nghệ thuật và khoa học, hội những người bạn của nghệ thuật, hội du lịch"...để học hỏi, tìm kiếm những gì tốt đẹp nhất của các nền văn hóa, từ đó tiếp thu có chọn lọc, làm phong phú thêm cho giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc.
Nước nhà được độc lập, trên cương vị là người đứng đầu nhà nước Việt Nam, mặc dù còn bận trăm công ngàn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm hơn 40 di sản văn hóa thiên nhiên cùng nhiều bảo tàng và xem hàng chục di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu, đóng góp những ý kiến chỉ đạo hết sức cần thiết để bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Bởi vì, theo Người: Vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp giáo dục và truyền thống, góp phần tạo dựng những tiền đề cơ bản cho sự phát triển đất nước.
Trên cơ sở đó, ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành sắc lệnh số 65/SL về vấn đề bảo tồn, bảo tàng của nước Việt Nam mới. Sắc lệnh nêu rõ:"Cấm phá huỷ những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá huỷ những bia ký, đồ vật, hiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính sách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn. ..." Đây là văn bản đầu tiên, tuy ngắn gọn, súc tích nhưng phản ánh được tư tưởng, tầm nhìn chiến lược và những định hướng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước ta đối với sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá. Hơn hai tháng sau, ngày 18/02/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 22/SL-CTN quy định những ngày lễ chính thức của đất nước trong đó có ngày giỗ tổ Hùng Vương hàng năm. 
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá, ngày 24/2/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 36/2005/QĐ-TTG chọn ngày 23/11 là ngày di sản văn hoá hàng năm.
Bảo tồn gắn liền với phát huy bởi vì Việt Nam là một nước gồm nhiều dân tộc anh em, các dân tộc gắn bó với nhau trên một lãnh thổ và cùng nhau giữ nước, cùng nhau chống giặc ngoại xâm. Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc sẽ phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, đồng thời những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc anh em sẽ bổ sung cho nhau và làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy đối với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, Chủ tịchHồ Chí Minh nhận định: “Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo theo cách nghĩ của Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Người không bao giờ phản đối, bài xích các tôn giáo mà luôn luôn tỏ thái độ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng. Người không hề có sự phân biệt đối xử giữa tôn giáo này và tôn giáo khác, giữa người có đạo và người không có đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đã là người Việt Nam dù là lương hay giáo đều có chung cội nguồn sâu xa cùng nòi giống “con Rồng cháu Lạc”, cùng chung vận mệnh dân tộc và gắn bó với nhau bởi truyền thống đoàn kết. 
Phong tục tập quán của mỗi dân tộc không chỉ là thói quen, lối sống của một cộng đồng dân tộc mà còn là sự biểu hiện của triết lý vũ trụ, nhân sinh quan của dân tộc ấy. Phong tục tập quán vừa có cái chung, vừa có cái riêng, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc một cách đậm đà và sâu sắc. Ngay từ những năm còn ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đến việc giữ gìn, tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người coi đó là “những vốn cũ quý báu của dân tộc” cần được giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Chính vì thế mà cần phải: “Ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và văn hóa của các dân tộc”. Tuy nhiên, Người cho rằng cần phải loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan như: lấy chồng hoặc lấy vợ quá sớm, cúng bái, ma chay theo các hủ tục lạc hậu...
Song song với việc gìn giữ và phát huy các tín ngưỡng, phong tục tập quán thì Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm đến giữ gìn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc như thơ ca cổ điển, dân ca, âm nhạc, những câu hò, lời ca, điệu ví quen thuộc, vốn rất đặc trưng tiêu biểu cho văn nghệ dân tộc. Người rất thích nghe hát ví phường vải bởi cái độc đáo của ví phường vải là sự kết hợp của dân gian hóa và bác học hóa, được đối đáp với nhau qua thể thơ lục bát - thể thơ truyền thống của dân tộc. Có lần, Người nghe nghệ sĩ Kim Lương hát bài “Gởi anh lính bờ Nam”, Người đã khen Kim Lương hát rất hay những màn biểu diễn mang đậm màu sắc dân ca của dân tộc. Người căn dặn: “Cháu phải biết hát nhiều dân ca của các miền, vì mỗi miền đều có dân ca hay, chẳng những người địa phương đó thích, mà người địa phương khác cũng thích”. Người chỉ bảo trước tiên mình ở địa phương nào thì phải biết hát được dân ca ở địa phương ấy, không những biết hát mà hát thật hay, biết nhiều bài hát dân ca các miền phải học hỏi, học thật tốt sao cho xứng đáng với phát huy văn hóa dân tộc. Người còn nói với các nghệ sĩ là âm nhạc dân tộc nước ta rất độc đáo, có nhiều câu hát dân ca rất hay bây giờ phải khai thác, phát triển nó lên. Nói chuyện với nghệ sĩ sáo Đình Thìn, Người tâm sự: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”. Người nhấn mạnh với họa sĩ Thụy Điển Erích Giôhanxôn: “Mỗi dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật”. Người trân trọng, yêu thích những câu hò xứ Nghệ, xứ Huế và các làn điệu dân ca Việt Nam.  Chính vì thế mà trước lúc đi xa về với thế giới của tổ tiên Người vẫn muốn nghe một đôi làn quan họ, một vài làn điệu dân ca... Vốn cổ truyền quí báu của dân tộc dù ở miền nào, địa phương nào đều được Người trân trọng và cảm thụ với niềm xúc động sâu sắc. Người tìm thấy ở di sản văn hóa tinh thần một ngọn nguồn, một nền tảng để xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc. Người căn dặn các nghệ sĩ phải giữ gìn và phát huy những cái hay cái đẹp, phải biết quý trọng vốn nghệ thuật dân tộc. Để kế thừa và phát triển vốn dân ca thì phải sáng tác, miêu tả con người, cuộc sống, chiến đấu của nhân dân, phát huy được sức mạnh dân tộc và thống nhất đất nước.
Đối với nghệ thuật tuồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khen mà còn chỉ dẫn những người làm nghệ thuật tuồng không được giậm chân tại chỗ, phải biết cải biên, sáng tạo, cách tân, cách nói và truyền tải được nội dung mới bổ sung được cho nhau để các thế hệ sau tiếp nối. Khi xem biểu diễn nghệ thuật Tuồng tại Hà Nội, Người phát biểu: “Nghệ thuật tuồng hay đấy! Nhưng phải phát triển, đừng giậm chân tại chỗ, chớ gieo vừng ra ngô”. Người căn dặn ngắn gọn và sâu sắc, không chỉ dành riêng cho nghệ thuật tuồng mà còn cả các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, mỗi nghệ thuật đều có cái hay và độc đáo riêng. Đây là sản phẩm của văn hóa dân tộc. Do đó việc giữ gìn, kế thừa và phát huy cần phải giữ lại được cái hay, cải tiến được hình thức và nội dung, có kế hoạch cụ thể và loại bỏ những cái chưa phù hợp mới phục vụ được nhu cầu của quần chúng nhân dân. 
Khi đón khách quốc tế tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường mời các đoàn tuồng, chèo hay dân ca biểu diễn để phục vụ khách, đồng thời Người giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.  
Người cũng rất quan tâm đến các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam, trước hết biểu hiện ở thái độ trân trọng, khẳng định được vai trò và sức sáng tạo, giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc trong lịch sử, truyền thuyết dân gian, ca dao, tục ngữ. Người chỉ ra những sáng tác văn học có tác phẩm hay là phải diễn đạt cho mọi người hiểu và suy ngẫm về tác phẩm đó chứ không phải cứ viết tác phẩm văn học dài là mới hay. Người đánh giá cao các sáng tác của nhân dân, coi những sáng tác của nhân dân là những hòn ngọc quý. Ngoài ra, Người phê phán một số tác phẩm không đi sâu vào đời sống thực tiễn, yêu cầu các tác phẩm văn học phải bám sát đời sống con người, những lời ca tụng chân thật để làm gương và giáo dục cho con cháu ta đời sau.
Có thể nói, dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và những định hướng về bảo vệ và phát triển các di sản văn hóa dân tộc. Đảng và nhà nước ta ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và các văn bản pháp quy về công tác bảo tồn di sản văn hóa được ban hành. Cho đến nay nước ta đã có hàng ngàn di tích được xếp hạng cấp quốc gia trong đó có gần một trăm di tích quốc gia đặc biệt, hàng ngàn di tích xếp hạng cấp tỉnh, hàng trăm bảo tàng các loại đã được xây dựng ở hầu khắp các tỉnh trong toàn quốc; hàng chục di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã và đang được nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị. Không ít di tích lịch sử văn hoá đã và đang trở thành các trung tâm sinh hoạt văn hóa xã hội của cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống giáo dục về lịch sử văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, tích cực quảng bá về văn hóa Việt Nam, về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Kỷ niệm 35 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là nhà văn hoá kiệt xuất, 77 năm ngày Di sản văn hóa. Vinh dự và tự hào là người được sinh ra và lớn lên trong thời đại Hồ Chí Minh chúng ta nguyện không ngừng học tập và làm theo Bác để “lòng trong, trí sáng”, cùng nhau lan tỏa, nhân lên những giá trị Di sản mang tính toàn cầu của tư tưởng, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất.
Là cán bộ, viên chức làm việc tại Khu di tích Kim Liên - di tích Quốc gia đặc biệt nơi lưu giữ những kỷ vật vô giá về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ghi dấu những kỷ niệm sâu sắc 2 lần Người về thăm quê (năm 1957 và năm 1961), mỗi một chúng ta đều nhận thức được giá trị vô giá của các di tích về Hồ Chí Minh tại quê hương, có ý thức trân trọng, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt nhất giá trị của di tích, góp phần lan toả rộng lớn đến du khách, thu hút số lượng khách tham quan đến Khu di tích Kim Liên ngày càng đông trong đó có cả du khách nước ngoài. Các làn điệu dân ca của quê hương xứ Nghệ cũng được phát huy mạnh mẽ bằng việc thành lập câu lạc bộ dân ca, thường xuyên luyện tập trau dồi kỹ năng hát, múa, biểu diễn... Đó không chỉ là hoạt động văn hoá bình thường mà còn là hoạt động có ý nghĩa góp phần to lớn trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc. Câu lạc bộ dân ca xứ Nghệ của Khu di tích Kim Liên vừa mới thành lập đã đạt giải nhất tại hội thi hát dân ca xứ Nghệ do sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức. Điều đó đã phần nào khẳng định tình yêu nghề, yêu Di sản Văn hóa dân tộc của viên chức, người lao động Khu di tích Kim Liên – những người đã và đang hàng ngày bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Thanh Huyền
 

Thông tin tham quan

Liên kết website