CÔNG TÁC BẢO TỒN TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH TẠI KHU DI TÍCH KIM LIÊN
02/12/2014 4:00:25 CH
Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Khu di tích Kim Liên đã trải qua gần 60 năm phấn đấu và trưởng thành. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình Khu di tích Kim Liên đã đạt được những thành tựu quan trọng, trở thành một đơn vị có khả năng bảo tồn phát huy tác dụng tốt nhất trong hệ thống Bảo tàng - di tích ở nước ta, điều đó được khẳng định khi Khu di tích được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Khu di tích Kim Liên đã trải qua gần 60 năm phấn đấu và trưởng thành. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình Khu di tích Kim Liên đã đạt được những thành tựu quan trọng, trở thành một đơn vị có khả năng bảo tồn  phát huy tác dụng tốt nhất trong hệ thống Bảo tàng - di tích ở nước ta, điều đó được khẳng định khi Khu di tích được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.
      Từ ngày thành lập đến nay, Khu di tích Kim Liên đã tổ chức tốt công tác sưu tầm, đưa tổng số tài liệu hiện vật hiện có lên gần 4000, trong đó có rất nhiều hiện vật gốc vô giá như ngôi nhà ở Làng Sen và Hoàng trù, các hiện vật hai lần Bác về thăm quê, các hiện vật lưu niệm của các đoàn khách quan trọng thể hiện tình cảm lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
       Về công tác bảo quản tài liệu, hiện vật: Khu di tích Kim Liên là một Bảo tàng sống, một Bảo tàng ngoài trời. Vì vậy các di tích là một hệ thống kho mở, phải thường xuyên tiến hành công tác bảo quản, bảo vệ và tu sửa định kỳ. Đó là một công việc cực kỳ quan trọng và hết sức khó khăn để làm sao bảo tồn – tôn tạo được các di tích, chống lại sự xâm hại của môi trường thiên nhiên và xã hội trong điều kiện di tích chủ yếu là các vật liệu thô sơ, lại không được lắp đặt các thiết bị hiện đại. Mặc dù vậy, nhờ làm khá tốt công tác bảo quản, tư liệu – hiện vật  được gìn giữ chu đáo, phục vụ kịp thời công tác trưng bày. Các di tích và di vật được chăm sóc hàng ngày để phục vụ tốt khách tham quan hành hương về quê Bác.
      Điều khó khăn lớn nhất là hầu hết các di tích đều có kết cấu kém bền vững, lại tồn tại trong một khu vực thiên nhiên khắc nghiệt với các đặc trưng, nắng lắm mưa nhiều, độ ẩm cao, thường xuyên có bão lụt đe dọa. mặc dù đã tiến hành một số thử nghiệm vật liệu bền vững để thay thế nhưng chưa thành công. Việc bảo quản chủ yếu đang tiến hành bằng các phương pháp thủ công hiệu quả thấp.
      Về công tác trùng tu tôn tạo di tích, nhiều năm qua được quan tâm khá tốt. Khu di tích Kim Liên được xác định là trọng điểm đầu tư trong chương trình chống xuống cấp di tích của Bộ VHTT&DL. Vì vậy hầu hết các di tích chủ yếu đã được tiến hành trùng tu, sửa chữa lớn theo các dự án định kỳ thường xuyên.
        Năm 1995, Bộ Văn hóa- Thông tin đã phê duyệt dự án Bảo tồn tôn tạo và phát huy tác dụng Khu di tích Kim Liên với tổng vốn đầu tư là: 4.998.000.000đ.
Năm 1999, Chính Phủ lại đầu tư thông qua Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện dự án đầu tư “ Tôn tạo – nâng cấp Khu di tích Kim Liên” với tổng kinh phí đầu tư hơn 17 tỷ đồng. Nhờ đó, các khu vực di tích đã được trùng tu sửa chữa tốt hơn, cơ sở hạ tầng phục vụ được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng bề thế hơn, đáp ứng được các buổi lễ trọng thể và nhu cầu tưởng niệm Bác Hồ của các tầng lớp nhân dân.
Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Nghệ An được lập dự án khả thi “Bảo tồn tôn tạo Khu di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch Nam Đàn”, đến nay các công trình, hạng mục của dự án cơ bản đã hoàn thành bàn giao đưa vào phát huy sử dụng, diện mạo Khu di tích Kim Liên được  nâng cấp xứng tầm với vị thế Khu di tích Quốc gia đặc biệt.
Xác định rõ việc phát huy giá trị văn hóa ở Khu di tích Kim Liên   là nhiệm vụ quan trọng. Từ ngày thành lập đến nay, Khu di tích Kim Liên đã luôn quan tâm đến lĩnh vực này.
Khu di tích Kim Liên đã hoàn thiện tất cả các hồ sơ di tích và được Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 5 năm 2012. Lập và thực hiện có hiệu quả 40 đề cương, kế hoạch trưng bày, tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học như: Hội thảo nghiên cứu về quê hương Bác Hồ; Hội thảo nghiên cứu Khu di tích Kim Liên lần nhất (1983); Tọa đàm khoa học 40 năm Khu di tích Kim Liên (1996); Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức tốt các hội thảo khoa học “ Hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương” (1987) ; Hội thảo Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh- Quê hương Nghệ Tĩnh với Bác Hồ” (1989); “Hội thảo 30 năm Nghệ An thực hiện di chúc Bác Hồ”  Phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội thảo “Bác Hồ với công tác dân vận” (1998); Hội thảo 40 năm Khu di tích Kim Liên (1996); Hội thảo 50 năm Khu di tích Kim Liên (2006)…, Khu di tích Kim Liên biên soạn và phối hợp biên soạn xuất bản, phát hành 35 đầu sách, văn hóa phẩm về Khu di tích Kim Liên, 3 phim tư liệu và nhiều ấn phẩm băng đĩa nhạc khác, cùng hàng trăm bài báo, bài đăng tạp chí, báo cáo khoa học, đề án trùng tu tôn tạo di tích…
Công tác hướng dẫn tham quan vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, nó đòi hỏi sự vận dụng tổng hợp các yếu tố nhận thức, kỹ năng thuyết trình và cảm xúc chân thành của chủ thể hướng dẫn nhằm mục đích tác động đến đối tượng tham quan bằng mọi giác quan nhằm đạt được những hiệu ứng cả về nhận thức lẫn tư tưởng, tình cảm. Những câu chuyện toát ra từ các di tích, hiện vật đều gần gũi nhưng lại rất huyền diệu được truyền cảm qua các hướng dẫn viên bằng chất giọng đặc trưng đậm đà xứ Nghệ.
Xác định được nhu cầu tưởng niệm của nhân dân, thể theo nguyện vọng và truyền thống dân tộc, ngay sau khi Bác Hồ từ trần, Khu di tích Kim Liên đã xây dựng nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo ra một mô hình mới trong hoạt động Bảo tàng đó là mô hình: Di tích -Bảo tàng - Tưởng niệm. Trong thực tế, mô hình này đã phát huy tốt tác dụng đối với các sinh hoạt chính trị, tinh thần, tham quan, tưởng niệm, góp phần tạo sức hút mạnh mẽ cho Khu di tích Kim Liên.
        Ngoài ra Khu di tích Kim Liên còn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng viết bài tuyên truyền trên báo Nghệ An, báo Tuổi Trẻ, tạp chí Văn Hóa Nghệ An, đặc san Bảo tàng Hồ Chí Minh, tạp chí Di sản…,phối hợp với đài phát thanh truyền hình Nghệ An, đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Kênh VTV1, VTV3 đài truyền hình Việt Nam … xây dựng các chương trình phóng sự, nghệ thuật nói về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhờ làm tốt công tác phát huy các  giá trị văn hóa tại Khu di tích, theo số liệu thống kê, từ ngày khôi phục lại đến nay Khu di tích Kim Liên đã đón gần 40 triệu lượt người, có những năm cao điểm kỷ niệm năm chẵn ngày sinh nhật Bác lượng khách đạt con số kỷ lục từ 300 đến 400 đoàn khách mỗi ngày.
Điều đó cho thấy rằng uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng cao trong toàn thể nhân dân ta và bè bạn quốc tế, mặc cho những thăng trầm của lịch sử, những giá trị to lớn về tư tưởng, phong cách, nhân cách, tình cảm mà Người để lại trong các di sản của mình là một tài sản tinh thần vô giá và phong phú mà tất cả mọi người đều tìm thấy ở đó là điểm tựa vững chắc về mặt tinh thần cho mình. Mặt khác, tình cảm của đồng bào, đồng chí  cả nước và nhân dân thế giới đối với Bác Hồ kính yêu và quê hương Người ngày càng sâu nặng.
       Trong bước ngoặt quanh co của lịch sử, bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, về thăm quê Bác, lòng mọi người cảm thấy thanh thản hơn, bình tĩnh hơn,  thêm phấn khởi, tự hào, vững tin vào con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn .
       Trong những năm gần đây, Khu di tích Kim Liên trở thành một điểm thu hút mạnh mẽ các sinh hoạt văn hóa tâm linh, bởi  Hồ Chí Minh đã và đang đi vào tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam. Nếu được hướng dẫn và tổ chức tốt, hiệu quả giáo dục chắc chắn sẽ sâu sắc hơn.

                                                                             Ths Lâm Đình Hùng
                                                                             Phòng STKKBQTB
 

Thông tin tham quan

Liên kết website