ĐỒNG CHÍ LÊ MAO MỘT TẤM GƯƠNG TIÊU BIỂU CỦA PHONG TRÀO XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH
20/09/2016 9:56:41 SA
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được đánh dấu là một mốc son quan trọng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đây vừa là cuộc diễn tập đầu tiên cho cách mạng tháng Tám, vừa là cái nôi sản sinh ra những tấm gương dũng cảm hi sinh thân mình cho độc lập dân tộc. Một trong số đó phải kể đến cái tên mà lịch sử mãi mãi ghi danh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng 1930 -1931: đồng chí Lê Mao.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được đánh dấu là một mốc son quan trọng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đây vừa là cuộc diễn tập đầu tiên cho cách mạng tháng Tám, vừa là cái nôi sản sinh ra những tấm gương dũng cảm hi sinh thân mình cho độc lập dân tộc. Một trong số đó phải kể đến cái tên mà lịch sử mãi mãi ghi danh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng 1930 -1931: đồng chí Lê Mao.
Đồng chí Lê Mao hay còn gọi là Lê Viết Mao, có bí danh là Cát, sinh năm 1903 tại xã Hưng Thủy- thành phố Vinh. Khi 12 tuổi thì cha mất, Lê Mao phải bỏ học và 14 tuổi cậu làm thợ tại nhà máy Diêm. Từ đó, cậu sớm tham gia các phong trào đấu tranh của công nhân. Năm 1925, Lê mao trở thành hội viên Hội phục Việt, được giao nhiệm vụ phụ trách tiểu đội của hội ở làng Yên Dũng Hạ và nhà máy. Đồng chí cùng công nhân tham gia tích cực phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Năm 1927, đồng chí Lê Mao tán thành ủng hộ đường lối của tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Cuối năm 1929, thông qua đồng chí Nguyễn Phong Sắc, đồng chí đã liên lạc được với Đông Dương cộng sản đảng. Năm 1930, đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Mao trở thành Đảng viên ĐCS và được chỉ định làm Bí thư Chi bộ nhà máy Diêm – Bến Thủy, sau đó được bầu làm Bí thư tỉnh bộ Vinh – Bến Thủy. Ít lâu sau, thực hiện chủ trương của Trung ương đảng, Phân cục Trung ương ở Trung kỳ được thành lập, đồng chí Lê Mao được cử làm Ủy viên thường trực của Phân cục Trung kỳ, phụ trách phong trào công nhân.
Nhờ sự am hiểu sâu sắc về đời sống, tâm tư nguyện vọng của công nhân, nhờ nắm vững đường lối giai cấp của Đảng, đồng chí đã giúp Phân cục Trung kỳ định ra những khẩu hiệu cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng nhà mày, với từng cuộc đấu tranh. Những khẩu hiệu đó ngay từ đầu đã có tác dụng kích thích mạnh mẽ tinh thần công nhân. Với tác phong xông xáo, đồng chí Lê Mao đã cùng với các cán bộ phân cục trực tiếp xây dựng công hội đỏ trong các nhà máy Diêm, Cưa, Điện, Cá hộp… Nhiều đồng chí công nhân lão thành từng hoạt động với đồng chí Lê Mao đều có chung nhận xét: “Tính Lê Mao trầm tĩnh, khiêm nhường, ở anh toát ra một tình thương giai cấp công nhân chân thành, sâu sắc, nó gần gũi, thu hút được tình cảm và lòng tin rất tự nhiên của cán bộ và quần chúng cách mạng”.
Ngày 1/5/1930, nhân kỉ niệm ngày Quốc tế lao động, đồng chí Lê Mao là một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình thu hút sự tham gia của hơn một nghìn quần chúng công nhân, nhân dân Vinh –Bến Thủy- mở đầu cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Một ngày sau, Lê Mao cùng các đồng chí lãnh đạo Phân cục Trung kỳ đã phát lời kêu gọi “Thợ thuyền, dân cày, binh lính, thanh niên học sinh theo gương hi sinh của dân cày Nghệ An đứng dậy tổ chức biểu tình, bãi công, bãi khóa…”. Lời kêu gọi đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở Nghệ Tĩnh. Trong những ngày sôi sục khí thế cách mạng, đồng chí Lê Mao đã liên tục bám sát vùng Bến Thủy, trực tiếp chỉ đạo từng cuộc đấu tranh. Sự có mặt của đồng chí đã đảm bảo cho phong trào công nhân đi đúng đường lối của Đảng, tạo điều kiện cho nhân dân các huyện vươn lên phá thế kìm kẹp của địch.
 
Tháng 10/1930, Lê Mao đã cùng Trần Phú tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ I tại Hồng Kông và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương. Thời kì đồng chí Lê Mao giữ trọng trách trước Xứ ủy Trung kỳ là thời kì phong trào cách mạng đứng trước những thử thách to lớn. Từ nhiều phía, bằng nhiều thủ đoạn vừa tàn bạo, vừa thâm độc, bọn để quốc và phong kiến trung đàn áp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhưng cùng với Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí đã vận dụng sáng tạo những nghị quyết của Trung ương vào tình hình thực tế nghệ Tĩnh, giữ vững quyết tâm cách mạng cho đảng viên và quần chúng. Có những chủ trương sáng tạo như: xây dựng lực lượng tự vệ đỏ, võ trang bảo vệ chính quyền Xô Viết và trừng trị bọn phản động, phát động nông dân vay lúa cứu đói, đấu tranh chính trị của quần chúng biểu tình kết hợp với võ trang của tự vệ, đấu  tranh đi đôi với xây dựng và củng cố cơ sở đảng, cơ sở quần chúng… được đồng chí luôn quán triệt. Ở cơ quan xứ ủy, sống giữa những người bạn chiến đấu như Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Viết Thuật… hay sống giữa bà con công nhân, nông dân; lúc phong trào phát triển thuận lợi cũng như khi cơ sở đảng gặp nhiều tổn thất mất mát đồng chí luôn giữ vững đạo đức và bản lĩnh cách mạng của người Đảng viên cộng sản. Tên tuổi của Lê Mao trở thành niềm tin yêu, mến phục của đồng chí, của quần chúng nhân dân.
Tháng 3/1931, đồng chí cùng Nguyễn Phong Sắc dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ II tại Sài Gòn và trở thành Ủy viên chính thức Ban chấp hành. Trở về, đồng chí cùng Nguyễn Phong Sắc triệu tập Hội nghị Xứ ủy Trung kỳ bàn về công tác chấn chỉnh tổ chức đảng. Tiếp đó, ông được Trung ương phân công làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, phong trào đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh nhân ngày Quốc tế Lao động năm 1930 lại bùng lên quyết liệt. Nhiều cuộc mittinh, biểu tình được tổ chức tại các nhà máy, làng xã.
Ngày 2/5/1931, trên đường công tác, đồng chí Lê Mao bị quân lính vây đuổi và bắn chết giữa đoạn sông Lam, cạnh cầu Bến Thủy. Cuộc đời đồng chí đã nêu lên tấm gương sáng về tinh thần khiêm tốn cách mạng, tình thương yêu đồng chí thắm thiết, chân thành, lòng tin tưởng sâu sắc vào năng lực cách mạng của quần chúng cách mạng. Đồng chí Lê Mao – người cán bộ xuất sắc của Xứ ủy Trung Kỳ và phong trào công nhân Vinh – Bến Thủy đã hi sinh, nhưng sự nghiệp cách mạng của đồng chí cùng lớp đảng viên thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn luôn còn mãi. Đó là niềm tự hào, là tấm gương sáng chói cho các thế hệ đảng viên và quần chúng nhân dân Việt Nam, đặc biệt là người dân Nghệ An noi theo và học tập.

Phạm Thị Oanh
Phòng Tuyên truyền giáo dục

Thông tin tham quan

Liên kết website