Kim Liên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh
02/11/2014 9:37:56 SA
Làng Sen và làng Chùa xưa thuộc xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên). Đây là vùng đất nghèo của huyện Nam Đàn. Người dân nơi đây thường xuyên phải chèo chống với thiên nhiên khắc nghiệt. Quanh năm ruộng đất khô cằn, mới nắng đã hạn, mới mưa đã lụt, mất mùa thường xuyên, đời sống nhân dân đói khổ. Cuộc sống lam lũ, vất vả in đậm trong tiềm thức của người dân nơi đây, những khó khăn vất vả ấy đã đọng lại trong câu ca dao: “Đi ra nổi tiếng Làng Sen

 Làng Sen, làng Chùa
             nhìn từ góc độ dân gian cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20

 
Làng Sen và làng Chùa xưa thuộc xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên). Đây là vùng đất nghèo của huyện Nam Đàn. Người dân nơi đây thường xuyên  phải chèo chống với thiên nhiên khắc nghiệt. Quanh năm ruộng đất khô cằn, mới nắng đã hạn, mới mưa đã lụt, mất mùa thường xuyên, đời sống nhân dân đói khổ. Cuộc sống lam lũ, vất vả in đậm trong tiềm thức của người dân nơi đây, những khó khăn vất vả ấy đã đọng lại trong câu ca dao:
                                    “Đi ra nổi tiếng Làng Sen
                                 Nho buôn đồ nhủi đã quen đi rồi”.

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX cả Làng Sen và làng Chùa có được khoảng 5 ngôi nhà ngói, còn toàn là nhà tranh, cột mét kèo tre, những gia đình gọi là khá giả thì cũng chỉ có bộ ván ngựa để mộc, hoặc bộ tràng kỷ đóng đơn sơ, vài cỗ giường nằm đóng bằng gỗ mít hoặc xoan đâu ngắn ngủi, người cao một chút phải nằm co. Còn nhà nghèo, vài cái giường bằng tre ọp ẹp, đặt thấp lè tè, vạt giường cái ngắn, cái dài, cái to cái nhỏ. Mùa hè nằm ngủ không màn, mùa đông không chăn. Chống cái nóng như thiêu như đốt đã có gió Đông nam và cái quạt mo; chống cái rét cắt da, cắt thịt thì có ổ rạ ổ rơm và vài manh chiếu cói.
Ở như thế, song quanh năm tháng ngày toàn “cơm hút, nhút chua”. Đến bữa cơm, ngả cái mươn bằng tre ngay giữa nhà bếp một bát nhút đặt lên, một bát tương múc ra, một rổ rau đặt bên cạnh, vợ chồng con cái xúm xít ăn uống, được vài bát rồi người nọ nhìn người kia, bởi vì “cơm chia nhau, rau tháo khoán”, bữa nào có bát canh cua hoặc đĩa tép rang mặn đã là sang lắm rồi. Nếu buổi sáng có đi đâu xa như: bứt củi, cày sào ruộng, đắp cái bờ, thu hoạch mía …, thì người lớn uống bát nước chè chát; thanh niên bỏ nắm khoai sống, nắm ngô rang vào túi vừa đi vừa ăn mà thôi.
Còn mặc, quanh năm, bà con thường bận quần nâu áo vá. Đàn ông thường đóng khố (lúc nhỏ thì ở truồng), già rồi vẫn đóng khố. Mùa đông về hoặc đi đâu đó đàn ông mặc áo năm thân ngắn gọn, áo và quần đều một màu nâu đồng nội. Chắt chiu bao ngày tháng mới may được cái quần trắng, cái áo dài đen, nhưng chỉ dùng khi đi việc làng, tế thần, tế tổ, khi có giỗ tết, đám cưới, đám hội mà thôi, còn không xếp lại cất cẩn thận, có người cả đời không rách một bộ quần áo “ đặc biệt này”. Đàn bà mặc mấn (váy) và áo, mấn thì trổ dưới, nhuộm nâu tím bầm. Có người bộ quần áo bố mẹ may cho khi bước chân về nhà chồng cho đến khi chết vẫn còn mới.
Nhân dân làng Sen, làng Chùa sống bằng nghề làm ruộng là chủ yếu, ngoài ra có một số người làm nghề rèn như cố Điền, cố Tiễng…, một số người đi hàn nồi như cha con cố Nguyễn Sinh Hiên, Nguyễn Đậu Thướng, Nguyễn Đậu Thùy…, một số người làm nghề thợ mộc như cố Nguyễn Sinh Tấn, Nguyễn Sinh Am, Nguyễn Sinh Đường, Nguyễn Sinh Chương…, một số làm thợ nề, một số người đi buôn mật mía.
 Ở đây còn có nghề đan: Thúng mủng, mẹt nia, nhủi rổ…, nhưng do đời sống khó khăn, ai đan được gì đem bán mua gạo, thành ra vốn không có, nhiều người phải bỏ nghề. Năm 1901, cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó Bảng, bà con trong vùng đến mừng, cụ nhận và cảm ơn những người có lòng tốt, rồi đem tất cả  số tiền đó (gần 200 quan) chia cho những người trong làng (những người có nghề để làm vốn duy trì và phát triển nghề của Làng). Phương tiện chuyên chở độc đáo của người dân nơi đây là xe cút kít. Những lúc rỗi rãi, nhiều người còn tranh thủ chở giúp, chở thuê để làm kế sinh nhai.
Song nghề phụ chủ yếu ở Làng Sen, làng Chùa là dệt vải, kéo vải. Dệt vải thì chỉ có một số gia đình có khung cửi, kéo vải thì có thể làm được nhiều người, dụng cụ chỉ một cái xa, vốn liếng chỉ cần vài cân bông, học nghề chỉ cần vài ba hôm là biết kéo vải, lãi lời không nhiều chỉ lấy công làm lãi. Thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 trong năm là những tháng kéo vải thường xuyên và phổ biến nhất. Nghề kéo vải thường là nghề của đàn bà con gái, kéo một mình thì buồn, nên các bà, các cô thường rủ nhau tụ họp tại một nhà nào đó trong làng, không chỉ để tiện đèn dầu mà còn để động viên cổ vũ lẫn nhau, chính ngọn nguồn này đã sinh ra tục hát ví, hát phường vải nổi tiếng ở Kim Liên, cũng như nhiều nơi khác trên đất Nam Đàn. Phường vải nhóm họp như vậy, có chủ nhà chứ không có chủ phường, phường họp ở nhà nào thì tên của nhà ấy sẽ là tên của phường như phường bà chánh Diên, phường bà cháu Dung…, mà có khi nay họp ở nhà này mai lại họp ở nhà khác, họp đó rồi tan đó. Tổ chức của phường có tính chất tự động, không có một quy luật nào, nó cũng như phường cấy, phường gặt, phường buôn…
          Tuy đời sống nghèo đói, nhưng  nhân dân làng Sen, làng Chùa cũng chắt chiu nuôi con ăn học, nên ở đây đã hình thành một tầng lớp nho sỹ - trí thức bình dân khá đông đảo. Câu ca dao: “Ngọc Đình thì lắm bò to, Kim Liên thì lắm nhà nho dài quần” đã cho ta hiểu rõ điều đó. Đức tính hiếu học, miệt mài kinh sử đã được sử sách tổng kết: từ đời Dương Hòa thứ 1 năm 1635 đến khi bỏ thi chữ Hán 1918,  Kim Liên có 53 vị  đậu từ Hiếu sinh, Tú tài, Cử nhân đến Phó Bảng, trong đó Làng Sen và Làng Chùa có 29 vị , trong “tứ hổ” của Nam Đàn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 làng Sen có Vương Thúc Quý và Trần Văn Lương, cả hai đều là bạn của Phan Bội Châu.
Đối với Tổ quốc, khi đắm chìm trong binh lửa, nơi đây bao giờ cũng có những người con nêu cao lòng nghĩa cử như tú tài Vương Thúc Mậu lập “Chung nghĩa binh”, dựng cờ “Bình Tây phục Quốc” vào năm 1885 ở núi Chung, nhân dân làng Sen, nhân làng Chùa cùng các làng khác đã theo Vương Thúc Mậu đánh giặc rất dũng cảm, nghĩa binh có lò rèn gươm giáo, làm thuốc súng ở làng Sen. Cố Ngự người làng Sen trong một lần nhồi thuốc súng không may bị thuốc súng làm hỏng mắt. “Chung nghĩa binh” bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp rất dã man, tại Làng Sen nhiều người bị bắt bớ, bị giết, bị đàn áp dã man, nhiều nhà bị cháy nhưng nhân dân không nản lòng. Giếng Cốc trước nhà Bác Hồ là nơi nghĩa binh thu giấu vũ khí khi Chung Nghĩa Binh bị đàn áp. Và như ta đã biết, một người tâm phúc của Vương Thúc Mậu là Nguyễn Sinh Quyến – người làng Sen đã sang Vũ Quang tham gia khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Năm 1896, khởi nghĩa Hương Sơn bị khủng bố, Nguyễn Sinh Quyến không may bị giặc bắt, chúng đã đưa ông về tại làng Sen để tử hình, ông vẫn hiên ngang trước mũi súng quân thù.
Làng Sen, làng Chùa mảnh đất thiêng liêng lưu giữ trong mình bao trầm tích văn hóa phản ánh sự biến đổi thăng trầm của quê hương và đất nước, tạo nên một bề dày truyền thống đáng tự hào, chung đúc nên không gian văn hóa Làng Sen, làng Chùa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, góp phần hun đúc, sản sinh nhiều nghĩa sỹ, anh hùng trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
                                                                Th.s Lâm Đình Hùng
                                                                       TP. STKKBQTB

Thông tin tham quan

Liên kết website