Mẹ Hoàng Thị Loan - một đóa sen đời
16/06/2014 10:33:45 SA
Cứ vào dịp tháng 5, khi mùa sen nở hoa thơm ngát, rực rỡ khoe màu đỏ thắm giữa ánh nắng vàng quyện vào không gian đầy ắp hương lúa ngày mùa. … Chúng ta lại thầm nhớ ơn người mẹ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng cho dân tộc Việt Nam người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Hồ Chí Minh.

Vượt qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, Mẹ Hoàng Thị Loan vẫn tỏa sáng như một đóa “sen đời”, Bà là tấm gương sáng về phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam, về lòng nhân ái, về đức hy sinh, sự tận tụy của người vợ, người mẹ hết mực thương yêu chồng con và là hiện thân mẫu mực về sự cống hiến và hy sinh vô cùng to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dành độc lập tự do cho Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.
           Xuất thân trong một gia đình nhà nho khá giả. Bố là cụ Hoàng Đường, một thầy giáo đức độ và giàu lòng thương người. Mẹ là Nguyễn Thị Kép, một phụ nữ nhân hậu, đảm đang. Thuở nhỏ, Hoàng Thị Loan là một cô gái hiền lành, có nhan sắc lại thông minh, dù là phận gái nhưng được bố dạy cho chữ thánh hiền, thừa hưởng ở mẹ đức tính cần cù, giản dị, chịu thương, chịu khó, chăm lo công việc đồng áng, miệt mài khéo léo trong nghề xe tơ dệt vải. Con người Bà đã hội tụ đủ bốn đức tính của người phụ nữ truyền thống: công, dung, ngôn, hạnh. Vượt qua mọi lễ giáo phong kiến bà đem lòng yêu cậu học trò nghèo mồ côi là ông Nguyễn Sinh Sắc - người được cha mẹ đưa về nuôi ăn học trong gia đình. Ngày cưới của Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan được tổ chức vào mùa sen nở năm Quý Mùi (1883). Cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời bà gắn với những truân chuyên vất vả của người phụ nữ hết lòng vì chồng vì con. Ngày ngày, “Chồng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi”. Bà không chỉ làm việc nuôi chồng nuôi con, mà bà còn là người nối chí, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho ông Sắc trong bước đường công danh sự nghiệp.
Hình ảnh người vợ chân đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài mang theo, vượt qua bao suối, bao đèo ròng rã hàng tháng trời để vào kinh đô Huế không bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Sinh Sắc và các con. Với tấm lòng nhân hậu và mẫn cảm của người mẹ, bà đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ con cái bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người. Từ nếp sống giản dị và những nhân cách, đạo lý ban đầu của nền tảng gia đình ấy, mà hôm nay dân tộc Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý, bà trút hơi thở cuối cùng khi vừa sinh hạ cậu con trai thứ tư là Nguyễn Sinh Xin trong sự khốn khó tủi cực. Bà ra đi khi tuổi đời còn quà trẻ - 33 tuổi đầy xuân sắc. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng bà đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và hạnh phúc bên gia đình, đóng góp quan trọng vào những thành công của chồng, của con sau này.
Thi hài của Bà được mai táng ở núi Tam Tầng bên dòng sông Hương tại Huế. Năm 1922, hài cốt của Bà được người con gái là Nguyễn Thị Thanh đưa về mai táng tại vườn nhà mình ở Làng Sen - Kim Liên. Năm 1942, cậu con trai cả Nguyễn Sinh Khiêm đã đưa hài cốt của bà lên an táng tại núi Động Tranh, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn hiện nay.
Năm 1984, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh (và lực lượng vũ trang Quân khu IV thay mặt cho đồng bào và chiến sỹ cả nước đã xây dựng khu mộ của Bà đàng hoàng, khang trang và đẹp đẽ trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Một lần nữa, với tấm lòng tri ân người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch hồ Chí Minh, trong dự án “bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch” Khu mộ Bà Hoàng thị Loan được khởi công xây dựng lại, long trọng khánh thành vào ngày 3/6/2011.
Công trình vừa có ý nghĩa to lớn về mặt giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về mặt tâm linh. Du khách về thăm phần mộ của bà để ý sẽ thấy một nét nổi bật và rất riêng ở phần mộ của bà chính là hình tượng hoa sen. Đó vừa là biểu tượng của quê hương Kim Liên, vừa biểu hiện sự kết tinh, thăng hoa của cuộc đời Bà Hoàng thị Loan.
Ngay từ cổng đón đường đi lên từ mộ cụ Hà Thị Hy (Bà nội Bác), chúng ta thấy được đặt 33 đóa sen bằng đá, tượng trưng cho 33 năm của cuộc đời Bà, mỗi đoá sen là một ngọn đèn toả sáng lung linh.
Theo hướng thăm quan, trước khi lên thăm viếng mộ Bà Hoàng Thị Loan, chúng ta đi qua sân chuẩn bị hành lễ, các hệ thống lan can ở sân này, được thiết kế với hoa văn chủ đạo là hoa sen cách điệu đơn giản.
Đi qua thang chính với 33 bậc, tượng trưng cho 33 năm tuổi đời của Bà. Hai bên thang chính có 18 ngọn đèn được đặt đối xứng nhau, tạo cảm giác tôn nghiêm và linh thiêng cho phần mộ của Bà. Và 18 ngọn đèn đó cũng tượng trưng cho 18 năm trời Bà được chung sống cùng chồng và các con yêu quý của mình.
Đến thăm phần mộ Bà, điều làm chúng ta ngạc nhiên và xúc động, đó là phần mộ của Bà được thiết kế như một bông sen cách điệu khổng lồ. Có phần đế sen, đài sen và tâm sen. Phần đế sen được làm bằng đá kim sa của Ấn Độ, đài sen được làm bằng đá trắng của Quỳ Hợp, Nghệ An. Tâm sen còn gọi là nhụy được chạm bông lộng hình chữ “Thọ”, theo quan niêm của dân gian là giao thoa âm dương đất trời.
Chúng ta còn bắt gặp hình ảnh đầm sen ở giữa bức phù điêu làm bằng đá trắng nguyên khối của Yên Bái ở phía sau phần mộ Bà, đang ngày đêm tỏa hương thơm ngát. Chạy viên xung quanh xung quanh bức phù điêu là viền hoa văn cách điệu hình cánh sen.
Vào buổi sáng khi những ánh nắng ban mai chiếu vào, cả phần mộ của Bà như bừng lên một ánh sáng kỳ lạ như một đóa sen lung linh, tinh khiết tỏa lên như cuộc đời thanh tao và cao đẹp của Bà.
Ngẫm lại cuộc đời của mẹ Hoàng Thị Loan, một đóa sen đời, qua bao khó khăn, thử thách để đạt đến chỗ khoáng đạt, tiếp tục vươn mình, khai nụ kết hoa, khoe sắc, xông hương …. Có lẽ mỗi du khách hành hương về đây lại lắng sâu trong lòng mình một điều gì đó thiêng liêng, thuần khiết, thanh thản, cao đẹp. Phải chăng nên giữ chặt cho mình trước cảm dỗ của lợi danh, giữ cho mình sự trong sạch dù ở hoàn cảnh nào.
Để hương sen luôn được tỏa hương thơm ngát ở phần mộ của Mẹ Hoàng thị loan. Ban quản lý Khu mộ Hoàng thị Loan, những người “chăm sóc những đóa sen đó”, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên chăm lo, đảm bảo vệ sinh và an toàn phần mộ về môi trường và tâm linh của Bà nội, thân mẫu và em trai của chủ tịch Hồ chí Minh.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, mỗi người dân đất Việt đang hướng về biển đảo thiêng liêng với trái tim nhiệt huyết cháy bỏng, đấu tranh kiên quyết bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải chống lại hành vi ngang ngược lộng hành, khiêu khích của Trung Quốc khi đặt giàn khoan trái phép HD 981 vào vùng biển có chủ quyền của Việt nam bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế - Đóa sen đời ngày đêm vẫn lặng lẽ tỏa hương thơm ngát – hương thơm lan tỏa như tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người dân chúng ta đoàn kết, bình tĩnh, tự tin, sáng suốt trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển đảo Quốc gia.
                                                                                                            Phan Thị Quý - Phòng Tuyên truyền giáo dục

Thông tin tham quan

Liên kết website