MÙA XUÂN, CỐT CÁCH, TÂM HỒN VÀ SỰ SÁNG TẠO CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH QUA NHỮNG BÀI THƠ XUÂN
04/02/2015 3:47:03 CH
Mùa Xuân là mùa của sự giao hòa giữa trời đất, thiên nhiên vạn vật và con người. Mùa Xuân luôn khiến ta cảm thấy tràn trề nhựa sống, thiên nhiên, vạn vật dường như cũng rạng rỡ hơn vào mùa Xuân. Đó cũng là quy luật tất yếu để cho sự sống không ngừng được sinh sôi, nẩy nở, như dòng sông luôn xuôi chảy không bao giờ dừng lại. Mùa xuân với sức sống và vẻ đẹp của nó từ bao đời nay đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân, thi sĩ.

Mùa Xuân là mùa của sự giao hòa giữa trời đất, thiên nhiên vạn vật và con người. Mùa Xuân luôn khiến ta cảm thấy tràn trề nhựa sống, thiên nhiên, vạn vật dường như cũng rạng rỡ hơn vào mùa Xuân. Đó cũng là quy luật tất yếu để cho sự sống không ngừng được sinh sôi, nẩy nở, như dòng sông luôn xuôi chảy không bao giờ dừng lại.  Mùa xuân với sức sống và vẻ đẹp của nó từ bao đời nay đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân, thi sĩ.
          Đặc biệt, đối với Chủ Tịch Hồ Chí  Minh, sự yêu đời, say mê cuộc sống, tâm hồn dễ xúc cảm trước cái đẹp của con người, thiên nhiên, tạo vật, khiến người đã sáng tác được rất nhiều tác phẩm thơ xuân, trong đó không ít tác phẩm được coi là tuyệt bút. Trong thơ Hồ Chí Minh không chỉ là mùa xuân hiện hữu của đất trời mà còn là mùa xuân chất chứa bao nỗi niềm dân tộc, xuân bởi lòng người, xuân của lịch sử và của mong ước tương lai. Đọc thơ xuân của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy ở Bác luôn có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của một thi nhân cùng với một cốt cách, phong thái ung dung, tự tại của người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Xuân khơi nguồn cảm hứng thơ. Thơ lấy xuân làm nguyên cớ. Xuân tự đất trời và xuân tự lòng người hòa quyện, tâm hồn thi sĩ và tinh thần chiến sĩ kết tụ, Bác để lại cho đời những vần thơ vừa rung động, tràn ngập sắc xuân, vừa toát lên tinh thần lạc quan, khoẻ khoắn của một ý chí lớn: ý chí cách mạng. Thơ Xuân của Bác thấm đẫm hồn dân tộc, tràn trề sức thanh xuân và luôn toát ra một tinh thần lạc quan vô hạn, thể hiện bản lĩnh vô song của một nhà cách mạng vô sản lỗi lạc.

Hãy đọc "Nguyên tiêu" (Rằm tháng giêng) bài thơ được coi là một kiệt tác, Người viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1948: :
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
Chỉ với bốn câu thơ, Bác vẽ nên một bức tranh huyền mặc, vẻ đẹp thơ mộng, tràn đầy, viên mãn của mùa xuân trong không gian và thời gian. Đêm rằm tháng giêng, mặt trăng tròn sáng ngời soi tỏ dòng sông mùa xuân, làn nước mùa xuân, bầu trời mùa xuân. Tình xuân lai láng, hương xuân nồng nàn, sắc xuân rạng rỡ! Một khung cảnh tưởng như rất quen thuộc nhưng lại rất tươi mới bởi góc nhìn của người thi sĩ. Vẫn dòng sông ấy, màu nước ấy, vẫn mây trời ấy, dưới ánh trăng rằm, trong một đêm mùa xuân lại mang một màu sắc mới: Mùa xuân làm cho trăng thêm đẹp. Và trăng làm cho cảnh vật thêm hữu tình. Ánh trăng, mùa xuân, sông nước, mây trời đan xen, hòa quyện, vào nhau, chứa chan tô điểm cho nhau, cùng nhau khơi gợi tâm hồn thi sĩ. Trăng xuân oà vào lòng người, người mở rộng lòng đón trăng, thưởng ngoạn chất xuân sung mãn với tâm thế sảng khoái và lạc quan. Con thuyền bàn bạc việc quân đã trở thành con thuyền trăng trôi nhẹ trên sông, ẩn hiện trong màn khói sóng. Trăng là biểu tượng cao đẹp, sáng láng của tự do. Con thuyền bát ngát, trăng cũng bát ngát niềm vui cao đẹp, tin tưởng vào bình minh sáng rỡ của dân tộc. “Nguyên tiêu” là một bức tranh xuân đẹp được vẽ nên từ những vần thơ đẹp. Bài thơ vừa thể hiện tâm hồn, phong thái của một “tao nhân mặc khách” vừa thể hiện trí tuệ, cốt cách thanh cao của vị lãnh tụ thiên tài.  
Thơ Xuân của Bác không chỉ đơn thuần là ca ngợi sắc Xuân, vẻ đẹp hiện hữu của mùa Xuân mà còn thể hiện khí phách hào hùng của dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước, niềm tin và tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc trong mỗi người dân Việt. Bài thơ mừng Xuân 1967 Người đã khéo léo khen ngợi và khích lệ tinh thần dũng cảm đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân cả nước:
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin Mừng thắng trận nở như hoa
            Điều đó cũng được Người thể hiện với tinh thần lạc quan, ý chí sắt thép, nghị lực phi thường, khí phách trong thơ chúc tết năm 1968:
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta.
          Mùa xuân được người thể hiện bằng những lời thơ vừa giản dị, mộc mạc, vừa mang đậm tính dân gian nhưng cũng rất mượt mà, hiện đại dễ đi vào lòng người. Mùa Xuân trong thơ Người không chỉ là mùa xuân của đất trời mà còn mang biểu tượng của hào khí dân tộc, của sự sống bất diệt, niềm tin chiến thắng; sự lạc quan của người chiến sĩ cách mạng, của toàn dân tộc và biểu tượng cho tương lai tươi sáng của cách mạng Việt Nam.
          Mùa Xuân năm 1969 Người viết bài thơ chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước; lời thơ như hịch truyền cổ vũ cuộc đấu tranh cách mạng ngoan cường mà Người là ngọn cờ, là hồn thiêng sông núi, bài thơ đã khơi dậy lòng tự hào Dân tộc, thôi thúc toàn dân một lòng quyết tâm đánh và đánh thắng giặc:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
          Đọc thơ Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ta cảm nhận một sức Xuân hừng hực, sắc Xuân rạng ngời; lại càng thấy được sự cao đẹp trong cốt cách, tâm hồn, của Người, cũng như sự sáng tạo tuyệt vời của vị lãnh tụ kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới. Đằng sau thi hứng từ mùa xuân, đằng sau nỗi niềm dân tộc, tấm lòng với đồng bào cả nước, mỗi bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một bài học lớn khiến chúng ta phải suy ngẫm, noi theo.
Phạm Thanh Hương
Phòng Tuyên truyền giáo dục

Thông tin tham quan

Liên kết website