NHÂN DỊP KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIÊT NAM
10/12/2014 2:55:52 CH
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân ta đã có rất nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh vang dội làm cho quân thù phải thất điên bát đảo khiếp sợ, nhưng có hai chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đã đi vào lịch sử và làm cho thế giới phải nể phục về tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc của quân và dân ta đó là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Hồ Chí Minh lịc

NHỮNG CHIẾN DỊCH TIÊU BIỂU
CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM TRONG HAI CUỘC KHÁNG  CHIẾN
CHÔNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân ta đã có rất nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh vang dội làm cho quân thù phải thất điên bát đảo khiếp sợ, nhưng có hai chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đã đi vào lịch sử và làm cho  thế giới phải nể phục về tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc của quân và dân ta đó là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
           1.Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Thất bại liên tiếp trên các chiến trường khiến cho thực dân Pháp ngày càng dấn sâu vào thế bị động, nguy khốn. Chúng đã mất hàng chục vạn binh lính và sỹ quan. Phong trào nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh ngày càng lên mạnh. Để cứu vãn tình hình, chính phủ Pháp một mặt xin thêm viện trợ của Mỹ, mặt khác thay đổi tướng tá và kế hoạch tác chiến hòng tìm lối thoát danh dự bằng một thắng lợi quân sự.
Tháng 5 năm 1953, Hăng ri Na va, Tham mưu trưởng lục quân khối Nato, được cử làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Na Va lập một kế hoạch chiến lược có quy mô rộng lớn, tập trung binh lực, nhằm trong vòng 18 tháng, tiêu diệt phần lớn chủ lực của ta, giành lấy một thắng lợi quyết định, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho chúng.
Tháng 9 năm 1953, tại Tỉn Keo, huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Bộ Chính trị bàn về chủ trương tác chiến Đông –Xuân. Hội nghị phê chuẩn phương án tác chiến của Bộ tổng tham mưu với hướng chiến công chiến lược là Tây Bắc, Tây Nguyên và Trung – Hạ Lào, là những nơi địch yếu nhưng chúng không thể bỏ. Người đề ra phương châm tác chiến cho bộ đội ta là: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Đánh chắc thắng, chọn nơi địch sơ hở và tương đối yếu mà đánh. Giữ vững chủ động, kiên quyết tấn công buộc địch phải phân tán lực lượng. Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta.
Giữa tháng 11 năm 1953, bộ đội chủ lực tiến công lên Tây Bắc, giải phóng Lai Châu, phối hợp với bộ đội Pha Thét Lào tiến công địch ở Trung – Hạ Lào. Na Va buộc phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm chặn bước tiến quân của ta. Thế là kế hoạch Na Va bị đảo lộn, chúng phải căng lực lượng ra để đối phó với ta. Chủ lực ta được lệnh bao vây địch tại Điện Biên Phủ. Chấp nhận cuộc chiến đấu tại đây, Na Va tập trung mọi cố gắng, với sự giúp đỡ rất lớn của Mỹ xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm gồm 3 phân khu yểm hộ lẫn nhau; có cơ cấu phòng ngự vững chắc với 16.200 quân tinh nhuệ . Tướng Mỹ Ô Danien lên kiểm tra Điện Biên Phủ đã xác nhận “Đây là một pháo đài bất khả xâm phạm”.
Ngày 6 tháng 12 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ của ta mở cuộc đại tiến công vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch, chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Người chỉ thị: “ Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không chỉ về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với  trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Các chiến trường trong cả nước được lệnh đẩy mạnh tiến công để phối hợp với  chiến trường Điện Biên Phủ, làm phá sản kế hoạch tập trung binh lực của Na Va. Chiến tranh du kích lên mạnh. Nhân dân vùng tự do, vùng mới giải phóng nô nức lên đường phục vụ chiến dịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho quân đội để động viên các đơn vị ra sức thi đua giết giặc lập công. Người ân cần căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi Đại tướng lên đường ra mặt trận:  Cần nắm chắc nghị quyết của Trung ương và chủ trương “ đánh chắc thắng” của Bộ Chính trị. Đó cũng là chỉ thị của Người cho quân đội ta là phải quyết chiến quyết thắng.
Sau khi đã hoàn thành công việc  chuẩn bị, quân ta dự định mở đợt tấn công vào ngày 25 tháng 1 năm 1954. Nhưng  sau nhiều ngày theo dõi những diễn biến mới nhất trên chiến trường và tương quan lực lượng giữa ta và địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập hội nghị Đảng ủy – Bộ chỉ huy chiến dịch và đi đến kết luận : Để đảm bảo nguyên tắc “ Đánh chắc thắng”  cần phải chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “ Đánh nhanh thắng nhanh” sang “ Đánh chắc tiến chắc”; Quyết định hoãn cuộc tấn công ra lệnh cho bộ đội lui về tuyến sau, kéo pháo về địa điểm tập kết ban đầu, xây dựng trận địa kiên cố để đánh lâu dài. Sau hội nghị Đại tướng đã báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị  và quyết định hoãn tấn công đã được Bác và Bộ Chính trị  nhất trí thông qua. Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rằng: “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.
       Ngày 13 tháng 3 năm 1954 quân ta mở cuộc đại tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cuộc tiến công được chia làm 3 đợt.
Đợt 1: Từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 17 tháng 3 năm 1954, Quân đội ta tấn công tiêu diệt phân khu Đông bắc của tập đoàn cứ điểm, đánh chiếm đồi Độc Lập  và đồn Bản Kéo…
Đợt 2: Từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 năm 1954, Quân đội ta đánh chiếm phân khu trung tâm, đặc biệt là dãy điểm cao quan trong phía Đông như đồi E, đồi D1, đồi C1, C2, A1, khống chế cánh đồng Mường Thanh, bao vây, đánh lấn, bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm…
Đợt 3: Từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954 Quân đội ta đánh chiếm dứt điểm dãy đồi phía Đông và tổng tấn công tiêu diệt các vị trí còn lại.
Trải qua 55 ngày đêm “ Khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, chiến đấu cực kỳ ngoan cường và anh dũng, vượt qua bao gian khổ và hy sinh, Quân đội ta đã hoàn toàn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.  Ngày 7  tháng 5 năm 1954, lá cờ “ Quyết chiến, quyết thắng”  của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đã phấp phới tung bay trên nóc hầm của sở chỉ huy địch. Tướng Đơcattơri và toàn bộ Ban tham mưu bị bắt sống. Hơn 1 vạn quân Pháp tại Điện Biên đã ra hàng. Tin Điện Biên thất thủ bay về Pa ri lúc 13h 12 phút cùng ngày. Thủ đô Pa ri rụng rời trước tin sét đánh. Nước Pháp treo cờ rũ để đánh dấu sự kiện thảm bại này.
Chiến thắng Điệm Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước kiên cường và chủ nghĩa anh hùng cách mạng bất khuất của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng và Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, của đường lối chiến lược, sách lược của Đảng ta kết tinh truyền thống đánh giặc của dân tộc và trí tuệ thời đại là chủ nghĩa Mác- Lê nin.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “ Được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa  trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”, nó đã nêu một tấm gương khích lệ cho các dân tộc bị áp bức  vùng đứng lên tự giải phóng cho dân tộc mình
2.Cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976.
Kế hoạch giải phóng đề ra là hai năm, nhưng Bộ Chính trị lại nhấn mạnh:  “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng phân tích rõ sự cần thiết tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa…, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
Thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam, ta tập trung chủ lực mạnh với vũ khí, kỹ thuật hiện đại, mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên – địa bàn chiến lược quan trọng. Trong trận then chốt mở màn ở Buôn Ma Thuột  ngày 10 tháng 3 năm 1975, quân ta đã nhanh chóng giành thắng lợi. Ngày 12 tháng 3 năm 1975 địch phản công chiếm lại Buôn Ma Thuột, nhưng không thành. Hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên rung chuyển, quân địch mất tinh thần, hàng ngũ rối loạn.
Ngày 14 tháng 3 năm 1975, địch rút toàn bộ quân khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung. Trên đường rút chạy, chúng bị quân ta truy kích tiêu diệt. Đến ngày 24 tháng 3 năm 1975, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng.
Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh, hết sức thuận lợi ngay khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn, Bộ Chính trị có quyết định kịp thời thực hiện kế hoạch giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam, trước khi tiến hành chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Ngày 21 tháng 3 năm 1975, quân ta đánh thẳng vào căn cứ địch tại Huế, chăn các đường rút chạy của chúng , hình thành thế bao vây địch trong lòng thành phố. Đúng 10 h 30 phút ngày 25 tháng 3 năm 1975, quân ta tiến vào cố đô Huế, đến ngày 26 tháng 3 năm 1975 giải phóng thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên. Cũng thời gian này quân ta tiến vào giải phóng thị xã Tam Kì, Quảng Ngãi, Chu Lai…tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam.
Đà Nẵng , thành phố lớn thứ hai ở Miền Nam , một căn cứ quân sự liên hiệp lớn nhất của Mỹ và quân đội Sài gòn, rơi vào thế bị cô lập. Sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975, quân ta từ ba phía Bắc, Tây, Nam tiến thẳng vào thành phố Đà Nẵng. Đến 3 giờ chiều, toàn bộ thành phố Đà Nẵng được giải phóng.
Trước khi bắt đầu chiến dịch giải phóng Sài Gòn (Chiến dịch được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh), quân ta tiến vào tấn công Xuân Lộc và Phan Rang  những căn cứ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông. Sau khi tuyến phòng thủ Phan Rang và Xuân Lộc bị chọc thủng, nội bộ Mỹ và quân đội Sài Gòn càng thêm hoảng loạn, ngày 18 tháng 4 năm 1975, tổng thống Mỹ ra lệnh di tản hết người Mỹ khỏi Sài Gòn, ngày 21 tháng 4 năm 1975 Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống, 5 giờ chiều ngày 26 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân  cùng lúc vượt qua tuyến phòng thủ  vòng ngoài của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10giờ 45 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng của ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Chính phủ Trung ương Sài Gòn, Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh  đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc tòa nhà Phủ Tổng thống, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau giải phóng Sài Gòn, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại thừa thắng nhất tề đứng lên tiến công và nổi dậy. Đến ngày 2 tháng 5 năm 1975, tỉnh cuối cùng ở miền Nam được giải phóng là tỉnh Châu Đốc. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi.
Cuộc tổng tiến công  nổi dậy mùa xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi đã chấm dứt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc  từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945; chấm dứt ách thống trị  của chủ nghĩa đế quốc ở nước ta. Trên cơ sở đó, hoàn thành cuộc cách mạng  dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của nhân dân ta, thất bại của đế quốc Mỹ đã tác động mạnh đến tình hình nước Mỹ và thế giới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhất là đối với phong trào giải phóng dân tộc.
Thắng lợi đó “Mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”
                                     Ths Lâm Đình Hùng – Phòng STKKBQTB

Thông tin tham quan

Liên kết website