NHỮNG NGỌN NÚI MANG DẤU ẤN LỊCH SỬ VĂN HÓA TẠI NAM ĐÀN
28/04/2023 2:32:44 CH
Huyện Nam Đàn có 3 dãy núi lớn có tiếng trong tỉnh là núi Đại Huệ, (rú Nậy theo tên gọi địa phương), núi Hùng Sơn (rú Đụn) nằm trọn trong địa bàn huyện và núi Thiên Nhẫn (núi Trăm) nằm một phần trong huyện. Ngoài ra còn có hàng chục ngọn núi lớn nhỏ khác nằm rải rác xen lẫn với ruộng đồng khắp toàn huyện.

Núi Đại Huệ nằm ở phía bắc huyện chủ yếu ở hai xã Thanh Thủy và Xuân Liễu cũ (nay là các xã Nam Anh, Nam Thanh, Nam Xuân) chạy dọc theo ranh giới phía Tây Bắc huyện từ  Đông sang Tây, ngăn cách huyện Nam Đàn và huyện Đô Lương. Núi Đại Huệ có hình giống như quả chuông úp, đỉnh cao nhất là 454m, toàn bằng đá. Trên đỉnh có động Thăng thiên (lên trời), trong động có chùa Đại Tuệ  (Trí sáng lớn), tương truyền chùa này được Hồ Quý Ly xây dựng để thờ phật bà Đại Tuệ  đã phù hộ cho Hồ vương xây thành đắp lũy chống quân Minh, bên trái chùa có con suối chảy xói mòn đã thành một cái giếng và nhân dân đã đặt tên là Thạch tỉnh (giếng đá). Ngoài ra còn có khe Trúc, khe Mai nước chảy róc rách quanh năm. Sườn núi Đại Huệ về phía Nam Đàn được nhân dân khai phá từ lâu đời, bàn tay cần cù kiên nhẫn của nhân dân lao động đã  bóc hết lớp đá bên ngoài  xếp thành từng lớp thành các nương rẫy dân địa phương gọi là Rày trại xung quanh trồng dứa chống xói mòn ở giữa trồng chè hoặc các loại cây ăn quả như: Mít, Hồng, Nhãn, Vải.... chè xanh Đại Huệ là một đặc sản của  huyện Nam Đàn. Với chè xanh Đại Huệ, tục uống nước chát đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân huyện Nam Đàn, qua bát nước chè chát mời nhau uống tình nghĩa láng giềng, hàng xóm được gắn bó hơn, biết bao chuyện xích mích được giải tỏa.
Núi Hùng Sơn (rú Đụn) nằm trong phạm vi hai xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái) và Khả Lãm (nay là Nam Thượng thuộc xã Tân Thượng Lộc) cách huyện lỵ Nam Đàn khoảng 3km. Núi cao khoảng 300m sườn dốc thoai thoải, cây cối xưa kia nhiều, nay không còn mấy. Núi có rào Gang vòng ở phía bắc, sông Lam vòng ở phía nam. Cách đây khoảng trên 300 năm núi bỗng nhiên nứt làm đôi, vết nứt dài vài trăm mét và sâu đến năm, bảy chục mét. Dưới chân núi là vệ Vạn An, thành lũy ngày xưa của Mai Hắc Đế chống quân nhà Đường thế kỷ VIII. Hiện nay ở chân núi còn có mộ và đền thờ của ông trong một cảnh quan sơn thủy hữu tình sau lưng là núi trước mặt là sông. Cách núi Đụn khoảng 1 cây số có làng Ngọc Trừng thuộc xã Nam Thái là nơi mẹ của Mai thúc Loan sinh ra ông và nuôi ông khôn lớn. Trên núi Dẻ ở đây hiện có ngôi mộ của bà. Về núi Đụn trước đây có lưu truyền mấy câu sấm: Đụn sơn phân giới; Bò đái thất thanh; Thủy đáo lam thành; Song ngư thủy thiển;  Dịch nghĩa: núi Đụn nứt làm đôi, khe Bò đái mất tiếng, nước đến chân Lam thành, hai hòn Ngư nước cạn.  Mấy câu sấm này nằm trong một bài sấm không biết có tự thời nào và ai làm. Người ta truyền nhau rằng là của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, có đúng thế không thì cũng không ai rõ. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khi các phong trào yêu nước bị thất bại, nhân dân khao khát có một vị cứu tinh kế tiếp để đứng ra dẫn dắt nhân dân đấu tranh giải phóng đất nước vào thời điểm đó có thể có một nhà nho yêu nước nào đó đã sửa câu sấm truyền trước thành câu sấm mới: Đụn sơn phân giới; Bò đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh; ý muốn ám chỉ cụ Phan Bội Châu là bậc thánh nhân mà câu sấm truyền nói đã xuất hiện sỹ phu và nhân dân cả nước cần ủng hộ cụ và đi theo cụ. Nhưng đến năm 1925 ngôi sao sáng Phan Bội Châu mờ dần sau khi cụ bị thực dân Pháp tổ chức bắt cóc ở Thượng Hải về giam lỏng ở Huế trở thành ông già bến Ngự cho đến khi mất (1940) và sau đó có một ngôi sao sáng của Nam Đàn lại xuất hiện soi sáng đường đi cho nhân dân ta dành được độc lập tự do năm 1945, người ta lại bảo bậc thánh nhân đó là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ứng vào câu sấm truyền nói trên. Câu sấm sửa đổi đã ra đời như vậy.
Núi Thiên Nhẫn là một dãy núi bắt đầu từ huyện Tương Dương kéo dài về đến Ngàn sơn (rú Nghèn) thuộc huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh. Phần núi Thiên Nhẫn nằm  ở huyện Nam Đàn chạy từ phía Tây sang phía nam huyện. Đỉnh cao nhất của Thiên nhẫn là hòn Tây xây (là Cột đá do Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ XX làm mốc ngắm để vẽ bản đồ). Dưới ngọn núi Hoàng Tâm có thành Lục Niên là đại bản doanh của nghĩa quân Lê Lợi lập ra để chống quân Minh vào đầu thế kỷ XV, hiện nay ở xã Nam Kim vẫn còn di tích tòa thành này. Cuối đời hậu Lê La sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã dựng trại ở ngọn Bùi Phong mở trường dạy học gọi là trường Lục Niên trong núi Thiên Nhẫn thuộc địa phận xã Nam Kim bây giờ. Hiện nay xã Nam Kim còn di chỉ của ngôi làng mà ông ở và mộ ông đã được xây dựng thành di tích lịch sử.
Ngoài 3 dãy núi lớn đã nói ở trên ở Nam Đàn còn có nhiều ngọn núi nhỏ nổi lên  giữa vùng đồng bằng phì nhiêu sau đây là một số ngọn núi có dấu tích lịch sử đáng lưu ý.
Rú Hồ (tên chữ hán là Hồ sơn hay Hồ cương) nằm trong địa bàn xã Thanh Thủy ngày xưa nay là xã Nam Thanh. Trước đây trong cuộc chiến tranh Lê – Mạc rú Hồ đã được tướng nhà Lê là Nguyễn Cảnh Mô xây dựng thành lũy để đánh nhau với tướng nhà Mạc Nguyễn Quyện. Những năm 60 của thế kỷ XVIII tướng Lê Duy Mật cũng đã sử dụng thành rú Hồ để làm đồn trại khởi nghĩa chống chúa Trịnh. Trên đỉnh rú Hồ còn bia mộ của cống sinh Nguyễn Bá Trinh người xã Thanh Thủy  lúc làm tri huyện Hương Sơn đã bắt được tướng Xiêm (Thái Lan) tên là Đinh khi ông tham gia cuộc chiến chống quân Xiêm xâm lược vào năm 1834 dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn.
Rú Đai (Ngọc Đai Sơn) là một ngọn núi thấp nằm ở Thị trấn Nam Đàn ngày nay. Tương truyền rằng ngày xưa rú Đai là một cứ điểm bảo vệ thành Vạn An của Vua Mai. Năm 1888 ở rú Đai đã xảy ra một trận chiến ác liệt của quân Cần vương Lê Văn Báu (Hoe Báu một nhà nho yêu nước quê xã Yên Lạc xưa nay là xã Nam Lĩnh) đóng quân ở rú Nghè xã Thanh Thủy (Nam Thanh ngày nay) kéo quân ra đánh nhau với quân Pháp do tên thiếu úy Piere  chỉ huy. Tên Piere bị giết và ông Hoe Báu cũng hy sinh tại đây. Hiện nay trên rú Đai có nghĩa trang liệt sỹ của huyện Nam Đàn với hơn 800 ngôi mộ liệt sỹ đã hy sinh trong các phong trào yêu nước trước cách mạng tháng 8 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Rú Tán (Tán sơn) ở xã Xuân Liễu nay là xã Xuân Hòa mạch núi từ phía đông rú Đụn chạy xuống đồng bằng nổi lên như một cái dù cái lọng nên dân gọi là Tán sơn. Trên núi Tán có đền Tán sơn dựng vào thế kỷ XVI thờ Quốc công triều Mạc Lê Đăng Lương làm trấn thủ Nghệ An thời Mạc Đăng Doanh (1530-1540). Năm 1788 trên đường tiến quân ra bắc đánh quân Thanh khi dừng chân ở rú Tán Nguyễn Huệ đã làm lễ ở đền để cầu thần linh phù hộ cho ông chiến thắng quân thù.   Năm 1874 tú tài Vương Thúc Mậu, tú tài Hồ Duy Cương đã dùng đền Tán sơn làm nơi hội họp và lấy rú Tán làm nơi luyện binh. Trong phong trào Đông du các sỹ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân cũng dùng đền Tán sơn làm nơi hội họp bàn luận quốc sự  và các thanh niên yêu nước trước khi lên đường đi xuất dương như Lê Hồng Sơn (Lê văn Phan), Nguyễn Bá Sáu (Nguyễn Bá Hiệp), Trần Bá Giao người trong huyện Nam Đàn và Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thiết Hùng, Lê Hồng Phong (ngoại huyện) đã đến đây hội họp và tuyên thệ trước khi lên đường xuất dương. Trong phomng trào Xô viết – Nghệ tĩnh, ngày 28 tháng 9 năm 1930 nhân dân huyện Nam Đàn đã tập trung ở rú Tán trước khi kéo lên huyện đường Nam Đàn phản đối cuộc ném bom của Pháp tàn sát nhân dân ở Thái Lão (Hưng Nguyên) ngày 12 tháng 9 năm 1930.
Rú Anh (Anh Sơn) cũng ở xã Xuân Liễu cũ (nay là xã Xuân Hòa). Ở chân núi phía Bắc có chùa Ơi (Hương lâm bắc Tự), ở chân núi phía nam có chùa Dạ (Hương lâm nam Tự) hai ngôi chùa này do một phú hào trong xã tên là Đinh Xuân Tài (1634-1718) dựng dưới thời hậu Lê.  Rú Tán và rú Anh là tiêu biểu cho vùng Hồ - Liễu thời trước là quê hương của Lê Hồng Sơn chính vì vậy khi ra đi xuất dương Lê Hồng Sơn đã được Phan Bội Châu  đặt cho tên mới là Lê Tán Anh  để luôn nhớ về quê hương mà quyết tâm phấn đấu làm tròn nhiệm vụ.
Rú Trăn (Trăn sơn)  cũng ở xã Xuân Liễu cũ (nay là xã Xuân Hòa). Ở đây phát hiện có di chỉ khảo cổ được xác định niên đại trước văn hóa Đông sơn. Tại đây trước có ngôi đền Câu rất lớn có thượng điện, hạ điện, bái đường, tả hữu vu và tam quan  thờ thành hoàng chung cho cả hai xã Xuân Liễu và xuân Hồ. Năm 1951 đền bị máy bay Pháp ném bom phá hỏng. Trước đây vì đền Câu có quy mô lớn nên năm 1751 tướng nhà hậu Lê Phan Đình Trọng đã dùng làm nơi đóng đại bản doanh đánh quân Nguyễn Hữu Cầu (quận He) khi Cầu chạy vào Nghệ An. Năm 1787 Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ trên đường từ Thăng Long trở về Phú Xuân đã dùng đền Câu làm hành cung nghỉ ngơi.
Rú Dùi (Chùy sơn) ở xã Thịnh Lạc (nay là xã Hùng Tiến) nằm bên tả ngạn sông Lam. Núi thấp cây cối lơ thơ, ở chân núi phía bến Gềnh đá trước đây có một ngôi đền đẹp nổi tiếng đó là đền Vua Bà (Trấn quốc thánh nương Tự) thờ một vị nữ thần. Theo truyền thuyết thì vị nữ thần này đã báo mộng phù hộ cho vua Lê Thánh Tông (1460-1479) nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành sau này vua cho lập đền để thờ Bà. Theo một truyền thuyết khác thì bà là cô gái do nhà trời phái xuống trần dạy cho nhân dân nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt vải sau khi làm xong công việc bà trở về trời,  cảm ơn công đức của bà nhân dân đã lập đền thờ.  Tháng 9 năm 1968  đền vua Bà bị giặc Mỹ ném bom phá hủy. Cách rú Dùi hơn nửa cây số đi xuống theo đê 42 có di chỉ “ Đấu lường quân” ở xã Thịnh Lạc cũ (nay là xã Xuân Lâm) rộng khoảng 10 ha. Tương truyền vào thế kỷ 15 quân Minh chiếm đóng Nghệ An đã xây dựng lũy này để đếm quân  (đầy lũy là 1 vạn người). Có truyền thuyết cho rằng “Đấu lường quân” này do Cao Biền dựng lên khi làm Tiết độ sứ (865-875) để cai trị nước ta. Vào thế kỷ XVI khi Trịnh Nguyễn phân tranh Tướng nhà Trịnh là Ninh quận công Trịnh Toàn cũng sử dụng Đấu lường quân này để đếm quân nên nhân dân gọi là thành ông Ninh.
Rú Bằng (Bình Sơn) (nay thuộc xã Hùng Tiến). Ngày xưa có đình làng Nhân Hậu được dựng vào đầu thế kỷ 20 và trường sơ đẳng Pháp Việt với 3 lớp hoàn chỉnh (đồng ấu, dự bị, sơ đẳng)  xây dựng trong những năm 30 của thế kỷ XX. Năm 1947 trường Trung học Tân dân ở thành phố Vinh sơ tán về huyện Nam Đàn  đã mượn đình làng và trường sơ đẳng Pháp Việt làm nơi giảng dạy. Hiện nay địa điểm này cũng có một trường tiểu học và một trường THCS cũng mang tên Tân Dân “hậu duệ” của trường Tân Dân cũ.
Rú Dồi (Thổ sơn) nằm giữa ba thôn Bố Đức, Thanh Đầm và Yên Quả thuộc xã Hùng Tiến ngày nay. Mặt rú bằng phẳng, ngày xưa ở đây có chùa Bồng  Lai nay không còn nữa. Tương truyền thời nhà Đường cai trị nước ta Cao Biền đã cho đào giếng ở chân rú Dồi để cắt đứt long mạch nhằm yểm đất không cho phát Vương.
Rú Nhạn  (Nhạn Sơn) xã Hồng Long  ở đây có một ngôi tháp cổ gọi là tháp Nhạn. Về đây chúng ta được nghe câu chuyện mà người dân địa phương bao đời truyền nhau về công trình Phật giáo được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIV. Trong quá trình khai quật chân tháp, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hộp đựng xá lị. Báo cáo khai quật ghi rõ: “Có lẽ đây là lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam một dạng hộp như vậy. Hộp bằng vàng ròng được người thợ kim hoàn chế tạo từ phương pháp tán dập nguội, kiểu hộp này rất gần gũi với hộp đựng xá lị bằng sơn mài tìm thấy ở Miến Điện”. Hộp xá lị tìm thấy ở Tháp Nhạn là 1 trong 3 hiện vật phát hiện tại Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Ở làng Nhạn tháp hiện nay cũng có đền thờ Lý Nhật Quang con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ.
Rú Cật (Thận Sơn) ở thôn Yên lạc xã Nam Lĩnh là quê hương của chiến sỹ Cần vương Lê Văn Báu (Hoe Báu) và của anh hùng lao động nông nghiệp Hoàng Hanh.
 


Rú Chung là di tích lịch sử nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.
 
Rú Chung (Chung sơn) nằm ở xã Chung Cự nay là xã Kim Liên. Nguyễn Thiếp khi Đến làng Sen, Kim Liên, ông  đã có 2 câu thơ nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay: Chung sơn tam đỉnh hình vương tự ; Kế thế anh hùng vượng tử tôn.  Rú là căn cứ của nghĩa quân Vương Thúc Mậu (Chung nghĩa binh) trong thời kỳ Cần Vương. Gần rú Chung có đền thờ Đức Thánh Cả thờ tướng quân Nguyễn Đắc Đài thời nhà Trần có công dẹp giặc Bồn Man. Rú Chung là di tích lịch sử nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.
Rú Mượu (Độc lôi sơn) ở xã Hữu Biệt nay là xã Nam Giang. Tại đây có đền thờ Độc lôi sơn. Theo truyền thuyết thì có một vị tướng họ Phạm theo vua Lý Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành vào năm 1069, khi thắng lợi trở về đóng quân ở rú Mượu. Một đêm trên trời nổ một tiếng sấm tướng quân họ Phạm cùng toàn thể binh lính bay lên trời và biến mất nhân dân lập đền thờ gọi là đền Độc lôi. Đây cũng là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa tiễn và chia tay cụ Phan Bội Châu lên đường xuất dương sang Nhật tìm đường cứu nước trong đêm Mồng 4 Tết năm Ất Tỵ (7-2-1905)  tại cầu Hữu Biệt dưới chân núi Độc Lôi.
Rú Đồn (Đông sơn)  và rú Ngang (Hoành sơn), rú Trét  đều ở xã Khánh Sơn tại đây có đình Hoành sơn nổi tiếng cả nước về kiến trúc nghệ thuật. Đình được xây dựng tháng 2 năm 1763 niên hiệu Cảnh Hưng 23 đời vua Lê Hiến Tông thờ thành hoàng làng trong đó có thờ Lý Nhật Quang  người có công lập ra vùng Nam Hoa cũ trong đó có thôn Hoành Sơn. Hoành sơn là đất nổi tiếng khoa bảng nhất trong huyện Nam Đàn tiêu biểu là Thám hoa Nguyễn Đức Đạt và Hoàng Giáp Nguyễn Đức Quý.
Một vùng núi non mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa ở Nam Đàn phải chăng đó là những mạch nguồn trong trẻo và sâu xa đã hun đúc, nuôi dưỡng nên những người con ưu tú của dân tộc trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu...
                                                                                        Lâm Hùng

Thông tin tham quan

Liên kết website