Những người phụ nữ trong gia đình chủ tịch Hồ Chí Minh
21/10/2015 10:53:36 SA
Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng hình thành nhân cách của con người trong mọi thời đại. Gia đình là môi trường học đầu tiên và chỗ dựa cơ bản trong suốt cuộc đời mỗi một con người. Từ chiếc nôi này mỗi thành viên trong gia đình được ươm mầm, nuôi dưỡng trưởng thành về mặt nhân cách trong đó sự giáo dục đầu tiên thuộc về những người phụ nữ, có thể ảnh hưởng tới tính cách, đạo đức của những người con. Có lẽ đại đa số chúng ta đều đồng ý với quan điểm này. Khi nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp

          Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng hình thành nhân cách của con người trong mọi thời đại. Gia đình là môi trường học đầu tiên và chỗ dựa cơ bản trong suốt cuộc đời mỗi một con người. Từ chiếc nôi này mỗi thành viên trong gia đình được ươm mầm, nuôi dưỡng trưởng thành về mặt nhân cách trong đó sự giáo dục đầu tiên thuộc về những người phụ nữ, có thể ảnh hưởng tới tính cách, đạo đức của những người con. Có lẽ đại đa số chúng ta đều đồng ý với quan điểm này. Khi nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy nhân cách của Người thật là cao thượng và nhân văn. Đó là sự ảnh hưởng những đức tính của người mẹ, người chị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa chúng ta thấy vai trò của những người phụ nữ trong gia đình.
           Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra ở quê ngoại, tuổi thơ đã gắn bó rất nhiều với bà ngoại của mình đó là cụ Nguyễn Thị Kép. Cụ Kép quê ở Làng Kẻ Sía xã Hưng Đạo, Huyện Hưng Nguyên, là con gái của nhà nho Nguyễn Văn Giáp đỗ đến 4 khoa tú tài, là người phụ nữ cần cù, nhân hậu. Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Người. Bà là người mẹ thủy chung son sắt, hy sinh suốt cả cuộc đời cho chồng cho con, và nổi tiếng biết nhiều làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Bà đã ra đi ở tuổi 33 nhưng cuộc đời của bà đã không hề ngắn ngủi.Bà đã có công sinh thành và nuôi dưỡng những người con yêu nước trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cô Nguyễn Thị Thanh, người đã thay mẹ chăm sóc thân sinh và nuôi dưỡng các em khôn lớn trưởng thành.  Người bà, người mẹ, người chị là những người phụ nữ bình dị, có đức tính tốt đẹp ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh.
          1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đón nhận tình cảm gia đình, truyền thống văn hóa quê hương xứ sở từ Bà ngoại, mẹ và chị gái.
           Hoàng Trù ngày ấy đã là một trong những chiếc nôi của hát ví phường vải. Vì vậy, bài học đầu tiên mà người đón nhận được từ bà và mẹ là những lời ru. Những trưa hè nắng nóng, mẹ đặt con vào cánh võng, bằng những làn điệu dân ca, điệu ví phường vải, bằng những câu kiều của Nguyễn Du mẹ gửi gắm cả những tâm tư tình cảm của mình để các con đi vào giấc ngủ tuổi thơ. Những lời ca ngọt ngào sâu lắng được đúc kết từ lời ăn tiếng nói mộc mạc, từ cái hay cái đẹp cái tinh túy của nhân dân lao động, từ tình cảm thiết tha nặng nghĩa nặng tình đã vun đắp cho tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Năm 1928, hoạt động yêu nước ở Thái Lan, một đêm khuya nghe tiếng chị Việt kiều hát ru con ngủ, Người đã thổn thức mà không ngủ được, sáng mai kể lại bằng một vần thơ:
Xa nhà chốc mấy mươi niên
                                                                                                     Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          Trước lúc đi xa Người vẫn luôn khao khát được nghe làn điệu dân ca, điệu ví quê nhà. Nếu nói câu hò điệu ví là tinh hoa của văn hóa Xứ Nghệ thì những người phụ nữ trong gia đình Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã thổi vào tầm hồn của cậu bé Nguyễn Sinh Cung những giá trị tinh thần đó.
          Câu chuyện bà kể, câu hát ầu ơ hay bài học vỡ lòng mẹ dạy ở Huế, cách đối nhân xử thế, ứng xử của bà của mẹ của chị...trong sinh hoạt gia đình và với người dân lao động và sau này là gia đình của ông Phó Bảng đã in đậm trong con người Hồ Chí Minh. Chính vì vậy mà ở nước ngoài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ giá trị truyền thống của dân tộc, con người Việt Nam.
          2. Đức hi sinh, tấm lòng nhân ái  bao dung của những người phụ nữ trong gia đình Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
            Với tấm lòng yêu thương người nghèo mà bà ngoại Chủ Tịch Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Thị Kép đã đồng thuận cùng chồng tiếp nhận cậu bé mồ côi Nguyễn Sinh Sắc về nuôi cho ăn học trong nhà; vượt lên lễ giáo phong kiến gả con gái đầu lòng cho người học trò nghèo hiếu học. Năm Giáp Ngọ (1894) ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ thi Hương được vào kinh thành dự thi hội năm Ất Mùi (1895), Cụ Nguyễn thị Kép bán ruộng, tài sản quý giá của gia đình động viên con gái theo chồng vào kinh ứng thí nhưng không đỗ. Năm 1901 cụ đau đớn biết tin con gái qua đời, dang rộng cánh tay cụ đón con rể cùng các cháu trở về quê nhà sinh sống. Gánh nặng lại dồn lên vai của ngoại. Tuổi đã cao sức yếu song cụ vẫn thay con chăm sóc các cháu động viên con rể tiếp tục vào kinh ứng thí. Một người phụ nữ nông thôn như cụ Nguyễn Thị Kép sớm tối lam lũ với đồng ruộng với nghề xe tơ dệt lụa nhưng với đức tính nhân văn cụ góp phần cho con rể Nguyễn Sinh Sắc thành đạt, các cháu được nuoi dưỡn trưởng thành, cụ đã có cái nhìn bao dung rộng lượng vượt xa cả bức tường của lễ giáo phong kiến.
Bà Hoàng thị Loan - thân mẫu của Người được sinh trưởng trong một gia đình nho học truyền thống. Ngay từ nhỏ bà được cha truyền dạy chữ thánh hiền, mẹ dạy cả công -dung - ngôn- hạnh sớm trở thành cô gái nết na chăm chỉ, nhiều chàng muốn dạm hỏi về làm vợ. Thế nhưng vượt lên cả lễ giáo phong kiến, bà yêu thương và kết duyên cùng ông Nguyễn Sinh Sắc, chàng trai nghèo mồ côi, hiếu học; chấp nhận những khó khăn vất vả để xây dựng tương lai thành đạt cho chồng. Ban đêm trong ngôi nhà tranh nhỏ ba gian, gian ngoài anh nho Sắc dùi mài kinh sử, Chị Loan canh cửi thâu đêm. Vừa động viên chồng nuôi chí trong các kỳ thi hương, thi Hội Sau khi đỗ Cử nhân ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế dự thi hội nhưng không đỗ. Ông có bàn với vợ vào Kinh thành giúp ông ăn học. Vì sự nghiệp của chồng , bà Hoàng Thị Loan gửi con gái ở lại với bà ngoại cùng chồng đưa hai con trai vào kinh thành Huế;. Ở đất khách quê người tiếp tục bằng nghề dệt vải, bà miệt mài lao động. giúp chồng ăn học. Ba lần ông Nguyễn Sinh Sắc đi thi không đỗ nhưng bà vẫn luôn tin tưởng và động viên chồng. Chính niềm tin đó đã tiếp sức và nuôi dưỡng ý chí của ông.Với sự động viên khích lệ của bà đã tác động sâu sắc tới quyết tâm của ông Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng năm 1901.
 Cuộc đời bà Hoàng Thị Loan làtấm gương sáng về tính cách đạo đức cho các con noi theo. Những đức tính ấy đãảnh hưởng tới được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tính nhân văn, lòng yêu quê hương đất nước, chí căm thù giặc sâu sắc và tinh thần quốc tế trong sáng.
Năm cô Nguyễn Thị Thanh lên 17 tuổi thì mẹ mất, bà ngoại cũng không còn, gia đình trở về sống tại làng Sen quê nội. Đây là quãng thời gian mà cậu Khiêm, cậu Cung được đón nhận trọn vẹn tình cảm và sự chăm sóc của chị.  Năm 1906, Hai em đi vào Huế cùng cha, cô Thanh bắt đầu ở nhà tham gia các hoạt động yêu nước. Cô đã bị bắt và tù đày nhiều lần cho đến khi ra tù đã 61 tuổi. Được biết em trai là chủ tịch nước, cô đã ra thăm em rồi trở về quê sống như những người dân thường.
Tuổi thơ cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được vun trồng bởi bàn tay âm áp yêu thương, giàu lòng nhân ái và đức hi sinh quên mình của bà ngoại, mẹ và chị gái. Có lẽ bởi thế mà cả sau này trên con đường hoạt động cứu nước điều mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn quan tâm là độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, quan tâm từ miếng ăn, manh áo cho người nghèo, dâng hiến cả cuộc đời cho nhân dân đất nước vậy mà trước lúc đi xa vẫn nặng lòng chưa giải phóng hết quê hương. 
 
3. Sự lao động cần mẫn, nếp sống cần kiệm giản dị, ham học hỏi của bà, mẹ và chị gái là tấm gương để góp phần hình thành tính cách, nét văn hoá đẹp trong con người và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ Tịch Hồ Chí Minh được sinh ra, lớn lên trong ngôi nhà tranh nhỏ ba gian ở Hoàng Trù, quê ngoại. Tuổi thơ Người chứng kiến cuộc sống lam lũ cực nhọc "một nắng hai sương" với ruộng đồng cùng với trong tiếng tí tách thoi đưa của bà của mẹ; những người phụ nữ ấy như những con tằm giăng nhả tơ...miệt mài cần mẫn. Bà Hoàng Thị Loan dệt vải có nhiều đêm thức tới canh khuya canh sáng và góp phần đến thành công của ông Nguyễn Sinh Sắc trên con đường khoa cử đó là sự góp phần sự lao động cần cù, sức chịu đựng gian lao vất vả vì chồng vì con trong suốt cả cuộc đời bà. Có lẽ bởi vậy mà từ thơ bé Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý thức ban đầu về lao động, biết đỡ đần việc nhà, biết giúp đỡ hàng xóm láng giềng. Sau này Người ra đi tìm đường cứu nước cũng trong tư thế của một người lao động; lăn lộn giữa trời Âu với biết bao nghề phụ bếp, xúc than, cào tuyết...; khi đã là chủ tịch nước vẫn không quên công việc hàng ngày nuôi cá, trồng cây...
          Lao động và tiết kiệm là đức tính của Hồ Chí Minh. Là Chủ tịch nước nhưng Người nhận cho mình cái quyền sống thật giản dị, tiết kiệm nhưng thật thanh tao, những điều đó phải chăng Người đã học được từ những người phụ nữ trong gia đình. Đó là nếp sống, cách đối nhân xử thế của bà của mẹ và chị. Mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh dệt vải để kiếm sống cho gia đình nhưng vẫn dành riêng một phần may áo cho chồng cho con còn mình mặc áo vá vai. Cụ Kép thương con cho con áo mới, nể trọng mẹ đành nhận song lấy bùn nhuộm lại cho sẫm màu rồi mới dùng. Cuộc sống vốn khó khăn nhưng người con người cháu của họ vẫn không quên những ngày giáp hạt đem bớt gạo chia cho những người nghèo. Lối sống cần kiệm giản dị được Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trong cuộc sống mà còn được vận dụng trong tiến trình cách mạng của đất nước.
Người phụ nữ trong chế độ phong kiến thường không được đi học nhưng với sự ham hiểu biết, bà và mẹ Chủ Tịch Hồ Chí Minh được thân sinh dạy cho ít nhiều chữ nghĩa. Cùng với những câu hò điệu ví của quê hương, những kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày... đã giúp họ có vốn hiểu biết khá phong phú để giải thích những câu hỏi ngộ nghĩnh ngây thơ của tuổi nhỏ. Chị gái Chủ Tịch Hồ Chí Minh không học trường chính quy nhưng tự học, có đủ trình độ nghiên cứu Hán học, đặc biệt là y học, có thể bốc thuốc cứu dân. Đức tính hiếu học tự học của bà, mẹ, chị và vốn văn hóa dân gian đã tiếp thu được từ thủa nhỏ là một trong những hành trang trên con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và cũng là những đóng góp đầu tiên để hình thành danh nhân Văn hóa kiệt xuất - Hồ Chí Minh.
          Triết gia Trung Hoa - Mạnh Tử mất cha từ sớm nhưng được sự chăm sóc của người mẹ cần cù, kham khổ, hết sức chăm lo tới việc giáo dục con cái. Những thành công mà ông được lịch sử Trung Hoa ghi nhận còn là nhờ công lao to lớn của mẹ ông - Mạnh Mẫu; Xucacno - cố tổng thống Indonexia, một người đã từng tỏa sáng trên vũ đài chính trị quốc tế đã thừa nhận vai trò của người ở gái Sarina là người có ảnh hưởng nhất tới cuộc đời ông: " Nhờ có bà mà tôi hiểu và yêu quý mọi người dân bình thường, chính bà là một người dân thường, thế nhưng bà đã có trí tuệ khác thường". Sau này, Sarina được người dân Indonexia xem như một nhân vật lý tưởng hóa được xây dựng nhà Bách hóa đại lầu để thể hiện lòng tôn kính. Trên thế giới từ xưa đến nay còn rất nhiều người phụ nữ mà cuộc đời họ đã tỏa sáng trong những chiếc nôi gia đình. Trong bài viết này tôi chỉ mong muốn giới thiệu đôi nét về những người phụ nữ trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy rõ hơn vai trò của họ đối với việc hình thành con người và nhân cách đạo đức Hồ Chí Minh.
           Trong xã hội hiện đại, khi nhịp sống ngày càng sôi động và có nhiều thay đổi thì vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Là những người phụ nữ được sống và làm việc trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn ai hết chúng tôi nghĩ mỗi chúng ta- người bà, người mẹ, người chị, cần dành nhiều thời gian tâm huyết của mình nhiều hơn trong việc học hỏi những giá trị văn hóa, những tấm gương nuôi dạy con cháu như những người phụ nữ trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh; để những tấm gương ấy luôn soi rọi vào trong nếp sống cách nghĩ của chúng ta; để những người phụ nữ luôn là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn nhân cách trẻ thơ.../.
 
                                                                                   Nguyễn Thị Kim Chi
                                                             Ban quản lý khu mộ bà Hoàng Thị Loan

Thông tin tham quan

Liên kết website