NỮ SĨ BẠCH LIÊN - NGƯỜI CHỊ CẢ ĐÁNG KÍNH CỦA BÁC
10/05/2023 11:33:42 SA

Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có gia đình nào như gia đình Bác, tất cả những người con đều cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước, cho non sông. Tình yêu đất nước của những người con ấy đã lấn át hết tình yêu cá nhân, vì độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân mà hy sinh hạnh phúc của bản thân mình. Mạch nguồn truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong gia đình, ngoài bố mẹ, Bác chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người chị gái - cô Nguyễn Thị Thanh.
          Cô Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1884, tự là Bạch Liên, có nghĩa là Bông sen trắng, cô là con gái đầu lòng của ông Nguyễn Sinh Sắc và Bà Hoàng Thị Loan. Sinh trưởng trong một gia đình nho học, cô đã tiếp thu sáng tạo truyền thống tốt đẹp của cả hai gia đình nội và ngoại.
          Khoảng thời gian hạnh phúc nhất, có lẽ là những năm tháng sống tại mảnh đất quê ngoại Hoàng Trù, cô cùng với hai cậu em trai của mình trải qua tuổi thơ êm đềm, đẹp đẽ được cùng nhau trèo cây hái quả, câu cá thả diều... Được sống trong tình yêu thương, che chở của bố mẹ, ông bà ngoại. Nhưng tuổi thơ quây quần bên gia đình quá ngắn, năm cô 11 tuổi (năm 1895), bố cô là ông Nguyễn Sinh Sắc được nhận vào học ở trường Quốc Tử Giám, cô được gửi lại cho bà ngoại để mẹ cùng bố và hai cậu em trai vào kinh thành, nhưng đâu ai ngờ lần ra đi đó cũng là lần cuối cùng cô Thanh được gặp mẹ. Năm 1901, bà Hoàng Thị Loan mất sau khi sinh người em trai Nguyễn Sinh Xin, lúc này ông Sắc quyết định đưa các con trở về mảnh đất Hoàng Trù nương tựa. Thời gian này, ông Sắc tiếp tục nỗ lực dùi mài kinh sử, chị gái Bác là người thay cha chăm sóc các em và quán xuyến các công việc trong gia đình.
          Tại khoa thi Hội Tân Sửu năm 1901, ông Sắc đỗ học vị Phó bảng. Theo phong tục xưa là vinh quy bái tổ, ông Sắc cùng các con đã tạm biết mảnh đất Hoàng Trù quê ngoại đầy ơn nghĩa để về sống tại làng Sen. Về sống tại làng Sen, cô Thanh đã 17 tuổi, nổi tiếng cả vùng quê là người con gái nhà ông Phó bảng đẹp người đẹp nết. Ngày xưa con gái thường không được đến trường nhưng cô Thanh biết ít nhiều chữ Hán và có tài bốc thuốc nam. Nhiều chàng trai nhà giàu, nhà Nho đem lòng yêu thương và muốn hỏi cô về làm vợ nhưng cô đều khéo léo từ chối, bởi từ trong sâu thẳm lòng mình nhiều lần cô Thanh tâm sự rằng: “Gia đình tôi, mẹ mất sớm, cha không đi bước nữa, là phận con gái lớn trong nhà tôi xin nguyện ở vậy để phụng dưỡng cha và chăm sóc các em thay mẹ.” Tuổi thanh xuân cô Thanh đã dành trọn để lo cho cha và các em của mình mà chưa lúc nào nghĩ đến hạnh phúc riêng của bản thân.
          Năm 1906, ông Sắc vào Huế nhận chức Thừa biện bộ lễ mang theo cả 2 cậu con trai đi cùng, cô Thanh xin phép cha được ở lại quê nhà trông nom nhà cửa và tham gia các hoạt động yêu nước. Thời gian này cô tham gia các hoạt động trong tổ chức của Phan Bội Châu, đội Quyên, Ấm Võ. Cô có mối liên hệ chặt chẽ với nhà yêu nước Phan Bội Châu từ khi hoạt động trong đội Quyên, đội Phấn. Cô phụ trách liên lạc, quyên góp tiền cho nghĩa quân và phong trào Đông Du.
          Cuối năm 1910, cô bị mật thám Pháp đón bắt ngang đường, cô nhanh chóng bỏ công văn vào miệng nhai ngấu nghiến rồi nuốt ngay, chứng cứ bị thủ tiêu nhưng chúng vẫn bắt cô rồi giải xuống Vinh giam giữ và dùng cực hình tra tấn cô. Bị tra tấn dã man là vậy nhưng bọn chúng không nhận được một lời khai nào từ cô. Cuối cùng vào đầu năm 1911, cô được trả tự do.
          Ra tù cô trở về Kim Liên, tinh thần yêu nước vẫn luôn sục sôi trong người con gái nhỏ bé ấy. Ít lâu sau, cô mở một cửa hàng thuốc Nam ở cổng Đệ Nhị (Vinh), sau đó mở một quán cơm sát Cửa Hữu, thành nội Vinh, mục đích là nghe ngóng thêm thông tin từ một số tên lính Pháp.  Đến năm 1918, cô Thanh tổ chức lấy trộm súng trong kho của Trại giám binh, đây được coi là một tội nặng. Nguyễn Thị Thanh bị đánh 100 trượng và lãnh án 9 năm tù khổ sai. Ngày 2/12/1918, cô Thanh bị giải vào giam tại Nhà lao Quảng Ngãi. Bấy giờ, vợ của viên Án sát tỉnh Quảng Ngãi là Phạm Bá Phổ bị bệnh, đã mời nhiều thầy thuốc mà không chữa trị được, viên quan này biết tay nghề của cô Thanh nên đề nghị cô giúp đỡ. Sau khi được cô chữa trị, vợ của viên Bá Phổ đã khỏi bệnh. Sau việc này, Phạm Bá Phổ rất kính nể cô Thanh.
         Năm 1922, Pháp và Nam triều có sự nới lỏng đối với cô Thanh, đưa cô ra an trí tại Huế. Sống ở Huế một thời gian, vào cuối tháng 10/1922, thương người mẹ của mình bà Hoàng Thị Loan nằm an nghỉ một mình nơi đất khách quê người ròng rã 21 năm nên cô Thanh đã bí mật đưa hài cốt của mẹ từ núi Bân ( Huế) về an táng tại vườn nhà mình ở làng Sen quê nội. Ròng rã hơn hai tuần mới về đến Kim Liên. Chuyến đi bí mật đầy rẫy nguy hiểm đã thành công nhờ trí thông minh và Dũng khí mãnh liệt của người con gái chí hiếu, được bà con đánh giá là một việc làm phi thường lúc này. 
          Sau khi người con gái hiếu thảo hoàn thành nhiệm vụ đưa mẹ về an nghỉ trên quê hương Nghệ An, cô lại trở vào Huế. Mãi đến năm 1940, cô mới được thả về Nghệ An nhưng vẫn bị kiểm soát bởi hương lí của làng Nguyệt Quả (Nam Đàn). Khi được trả tự do, lúc đó cô Thanh đã gần 60 tuổi rồi.
          Năm 1946, nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Tất Thành, em trai nhà mình, cô vui mừng khôn xiết nói với bà con làng xóm rằng: “Chuyến này tôi ra Hà Nội, tìm gặp cụ Hồ xem có phải là cậu Thành, em trai nhà tôi không”. Không đợi cấp trên thu xếp, cô một mình xuống Vinh mua vé tàu ra Hà Nội thăm em. Món quà quê mà chị mang ra thăm em lúc đó là 2 con vịt và 1 chai tương Nam Đàn. Cuộc gặp gỡ của hai chị em diễn ra sau tròn 40 năm xa cách, ôm chầm lấy cậu em trai mừng mừng tủi tủi. Hai chị em Bác cùng ăn một bữa cơm với nhau tại nhà của Giáo sư Đặng Thai Mai, nhưng đâu ai ngờ rằng bữa cơm đầu tiên sau 40 năm xa cách đó là bữa cơm cuối cùng của chị em Bác Hồ. Sau khi thăm em, cô trở về quê sống một cuộc sống bình dị, gương mẫu trong sự yêu thương, đùm bọc của bà con, hai họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân và Đảng bộ chính quyền xã Kim Liên. Ngày 23 tháng 3 năm Giáp Ngọ tức là năm 1954, bông sen thơm ngát của làng Sen đã qua đời. 
          Tình yêu đất nước bắt nguồn từ truyền thống, tình yêu gia đình, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, có cha là một người sâu sắc, ái quốc, có mẹ một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, vị tha, chịu thương chịu khó, chị em Bác được truyền dạy và chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ từ những người sinh thành, là kết tinh của những gì tốt đẹp nhất, tạo nên nhân cách và trái tim của những người con yêu nước trong một gia đình, trong đó có người chị cả - Nguyễn Thị Thanh 

                                                                             Thanh Thùy

Thông tin tham quan

Liên kết website