TÌNH HỮU NGHỊ VIỆT NAM – LÀO BỀN VỮNG HƠN NÚI HƠN SÔNG
18/07/2022 9:07:43 SA

Đồng chí Bun Thoong - Chít ma ni - Phó chủ tịch nước CHDCNC Lào chụp ảnh lưu niệm 
tại nhà lưu niệm của Bộ Quốc phòng Lào - Khu di tích Kim Liêm - tỉnh Nghệ An 

 
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, có đường biên giới chung dài 2.337km, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông và có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa. Từ bao đời nay, hai dân tộc luôn kề vai sát cánh bên nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn, chống lại  kẻ thù chung để bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, từ đó vun đắp nên tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Hoàng thân Xu Pha-nu-vong đã trực tiếp đặt nền móng dựng xây, vun đắp.
Mối tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, thủy chung, son sắt giữa Việt Nam – Lào được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử của 2 nước, như  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết bằng những vần thơ :               
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn  nước Hồng Hà, Cửu Long"
 Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song mối quan hệ hữu nghị Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi hơn sông”.
 Hoàng thân Xu Pha Nu Vông đã ca ngợi: “Quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và Việt Nam thật là vĩ đại, không thể có bài hát, bài thơ nào ca ngợi hết được. Tình đoàn kết Lào – Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”.
Kế tiếp truyền thống cha ông,  lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước vẫn luôn trân trọng, gìn giữ và không ngừng vun đắp, tô thắm cho tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng đơm hoa kết trái. Và thực tế mấy chục năm qua là những minh chứng vô cùng chân thực, sinh động và toàn diện nhất về tình hữu nghị Việt - Lào thắm thiết, ruột thịt.      
  Nhiều hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên, của cỏ cây. sông núi, biển cả đã được dùng để miêu tả một mối tình sáng đẹp, thủy chung hiếm có của hai dân tộc Việt – Lào. Lời ngợi ca đó, nguồn tình cảm dạt dào sâu đậm đó đã in sâu vào dòng chảy trong máu thịt của người dân Lào và Việt Nam, đã từng gian khổ sống chết bên nhau trong suốt cả chặng đường dài lịch sử để giành lấy độc lập tự do và hạnh phúc cho cả hai dân tộc.
   Quả thật đúng như vậy, quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập tự do và tiến bộ xã hội.
  Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam phát triển từ quan hệ truyền thống, do chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Cay xỏn Phômvihản, Hoàng thân Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai đảng, hai nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh rời tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê Nin và trở thành người cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam gắn bó mật thiết với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ba nước Đông Dương.
    Là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào Việt Nam và Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng tình đoàn kết chiến đấu của hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của tinh thần đoàn kết đó.
   Trong quá trình tìm đường cứu nước chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tình hình tại  Lào, Người không chỉ lên án chế độ thực dân Pháp nói chung mà còn tố cáo cụ thể sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào. Người viết: “Ở Luông Pha Băng, nhiều người phụ nữ nghèo khổ thảm thương phải mang xiềng xích đi quét đường chỉ vì tội không nộp đủ thuế ... ”. Và Người đã khẳng định “dân bản xứ bị bóc lột ngày một thậm tệ nên họ đã chống đế quốc quyết liệt… "      
Để chuẩn bị điều kiện cho việc xây dựng chính Đảng lãnh đạo cách mạng Đông Dương năm 1925, Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê Nin tại hai nước, hình thành những tổ chức tiền thân của Đảng tại Việt Nam và một số nơi trên đất Lào. Tháng 6/1929 Nguyễn Ái Quốc đã hai lần đến Lào bằng con đường vượt sông Mê Kông sang thị xã Xa Va Na Khẹt và bản Xiêng Vang thuộc xã Xóng Mương, huyện Nọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn . Theo lời kể của nhà văn lão thành cách mạng Xu văn thon, Buphanuvong trong một lần Bác Hồ đến thăm lớp học chính chính trị của cán bộ Lào, sơ tán tại Phú La, Tuyên Quang năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tâm sự "Tôi từng biết tiếng Lào ... Tôi từng ngủ qua đêm nhiều lần ở chùa Inpeng, thủ đô Viêng Chăn”(1)         
 Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (đến tháng 10/1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương), tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng nhân dân cách mạng Lào và Đảng nhân dân Cam – Pu – Chia ngày nay.
Tháng 9/1934, xứ ủy Ai Lao được thành lập, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Lào.
Như vậy quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức cho cách mạng Việt Nam đồng thời với việc quan tâm xây dựng nhân tố bên trong cho cách mạng Lào cả về phương diện tổ chức lẫn chỉ đạo thực tiễn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chính là nền móng vững chắc cho quan hệ Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng cộng sản Đông Dương; luận cương chính trị tháng 10/1930; thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945; việc khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), thành lập Chính phủ Lào Itxala (12/10/1945) và việc ký Hiệp định hợp tác tương trợ Việt Lào (30/10/1945) là những kỳ tích đầu tiên, là mốc son khẳng định mối quan hệ liên minh, hợp tác giữa cách mạng hai nước; nâng mối quan hệ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau Việt Nam – Lào lên tầm liên minh chiến đấu chiến lược có giá trị lâu dài. 
Tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã cử Bộ trưởng Lê Văn Hiến vào Vinh mời Hoàng thân Xuphanuvông ra Hà Nội.
 Là một trong những người lãnh đạo Lào đầu tiên tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc gặp gỡ giữa Hoàng thân Xuphanuvông và Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Sau này, khi trả lời phóng vấn nhà báo Ba Lan Vôi Xếch Xúc – Chau – Ski, Hoàng thân khẳng định: “Do có dịp được gặp chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi đã học được ở Cụ nhiều vấn đề. Tôi đã tham gia cách mạng tháng 8 chống bọn xâm lược Nhật…Mọi chuyện trở nên rõ ràng, dễ hiểu đối với tôi. Sau đó tôi trở về nước để lãnh đạo cuộc đấu tranh giái phóng nhân dân Lào”. Chính Bác Hồ đã cảm hóa, dẫn dắt Xuphanuvông từ một Hoàng tử yêu nước ban đầu trở thành một "Hoàng tử đỏ" dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc Lào thoát khỏi ách đô hộ của thực dân đế quốc, trở thành anh hùng dân tộc.
 Theo thời gian, nhận thức và tình cảm của Hoàng thân dành cho đất nước, con người và cách mạng Việt Nam càng sâu đậm. Đó là động lực để sau này trên những cương vị khác nhau, Hoàng thân luôn có những hành động, việc làm thiết thực chăm lo, phát triển mối quan hệ Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Những cống hiến của Hoàng thân cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam là tài sản vô giá, sẽ mãi mãi được nhân dân hai nước nâng niu, gìn giữ, coi đó là một biểu tượng sinh động của tình đoàn kết quốc tế thủy chung, đoàn kết, trong sáng.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt đầu tiên của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, phía Việt Nam là cán bộ cấp cao của Đảng cộng sản Đông Dương, phía Lào là những nhà lãnh đạo tiêu biểu trong đó nổi bật nhất là đồng chí Cay xỏn Phômvihản.
Mang trong mình dòng máu Việt - Lào, đồng chí Cay xỏn Phômvihản sớm gắn bó với mảnh đất và con người Việt Nam. Trong thời gian học tại trường Bưởi và Đại học luật Hà Nội (1935 - 1945) cũng là lúc đồng chí tiếp xúc với những người bạn cùng chí hướng cách mạng và tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tìm ra con đường giải phóng cho nhân dân các dân tộc Lào. Sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào trong suốt nhiều thập kỷ qua, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam gắn liền với tên tuổi, công lao to lớn của Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản.
Trong quan hệ quốc tế, đồng chí luôn đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào; đoàn kết với Việt Nam luôn là nhân tố quan trọng được chủ tịch dày công vun đắp.
Trong các bài phát biểu, trong các tác phẩm của mình, Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản luôn khẳng định tình cảm trước sau như một của Đảng, nhà nước và nhân dân Lào: "Bất cứ hoàn cảnh nào, ở đâu hai dân tộc anh em Lào - Việt Nam chúng ta luôn luôn sống chết có nhau, cùng nhau làm cách mạng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi chung của chúng ta. Hai anh em đồng cam cộng khổ, bát cơm chia đôi, cọng rau bẻ nửa, sướng khổ có nhau, quan hệ hai dân tộc là quan hệ đặc biệt"; "Nhân dân Lào chúng tôi vô cùng hãnh diện có nhân dân Việt Nam vừa là đồng chí, vừa là anh em thân thiết của mình"; "Chúng tôi nguyện hết lòng vun đắp cho tình hữu nghị Lào - Việt Nam ngày một xanh tươi, đời đời bền vững".
          Bên cạnh việc đặt nền móng cho quan hệ Việt – Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chủ tịch Cay xỏn Phônvihản, Hoàng thân Xuphanuvông đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng hai nước (cả về lý luận và thực tiễn), từng bước vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt -Lào, Lào - Việt.
         Cùng với các chỉ thị, nghị quyết, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng luôn theo dõi sát sao và cổ vũ, động viên kịp thời những bước tiến của cách mạng nước bạn, hết sức trân trọng những văn kiện được ký kết giữa hai chính phủ Việt Nam và Vương quốc Lào và  thường xuyên gặp gỡ, làm việc trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Lào, bàn về tình hình cách mạng hai nước. Những cuộc gặp gỡ tràn đầy tình cảm hữu nghị anh em nồng thắm, giản dị mà chân tình giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hoàng thân Xuphanuvông, với đồng chí Cay xỏn Phômvihản và các đồng chí lãnh đạo nước bạn đã để lại ấn tượng sâu đậm. Đồng chí Cay xỏn Phômvihản từng nói: “ Tôi đã vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần. Tất cả các lần gặp gỡ đều rất thân thiết, chân thành trên tình cảm đồng chí thủy chung và lòng kính trọng sâu sắc đối với người thầy vĩ đại đã tận tình dạy bảo, rèn luyện, xây dựng và truyền lại cho tôi những kinh nghiệm phong phú … Suốt đời tôi ghi nhớ công ơn trời biển của Người".
  Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào, nhận được sự chi viện, phối hợp tác chiến đồng bộ, hiệu quả của quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang cách mạng Lào phát triển nhanh, không ngừng lớn mạnh. Liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam không ngừng được tăng cường, giành thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường .
Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ – ne – vơ thừa nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam và Lào.
Để minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, ngày 5/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao mở ra một chương mới của mối  quan hệ hai nước.
Về giai đoạn lịch sử hào hùng từ 1945 – 1975, tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng chí Cay Xỏn Phômvihản đã xúc động nói :
         “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như quan hệ Lào – Việt ..."        
Năm 1975, quan hệ Việt - Lào chuyển sang giai đoạn mới, đó là mối quan hệ: "Hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện" giữa hai Đảng, hai nhà nước mà bằng chứng sinh động là Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào được ký ngày 18.7.1977 do thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Văn Đồng và Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Cay Xỏn Phomvihản kí gồm có 7 điều. Có thể nói hiệp ước 18.7.1977 là mốc mới về tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, trong thời kỳ mới.
Kế tục sự nghiệp của các nhà lãnh đạo tiền bối, trong giai đoạn cách mạng hiện nay hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục không ngừng được củng cố, tăng cường, giữ gìn và phát triển. Tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Đặc biệt trong 26 năm tiến hành công cuộc đổi mới nhất là trong những năm gần đây hai Đảng, hai nhà nước đã tiếp tục tăng cường quan hệ mật thiết giúp đỡ lẫn nhau: quan hệ chính trị vững chắc, quan hệ kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại không ngừng tăng cường ..hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến viếng thăm lẫn nhau: Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thoong Xa Thammavong (3.2011); Tổng bí thư, chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone (2012).thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith( 2017) Tổng bí thư, chủ tịch nước Lào Bun Nhăng Volachit ( 2018),Chủ tịch Quốc hội Lào Say somphone Phomvihane( 2021) thủ tướng Phankham Viphavanh sang thăm Việt (Tháng 1/2022) Chuyến thăm chính thức Lào của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2011) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2011), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2012) Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (năm 2021) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ( tháng 5/2022).        
Các chuyến thăm cấp cao này không chỉ là những cuộc gặp giữa những người đồng chí, người bạn, người anh em thân thiết, mà còn thể hiện tình cảm sâu đậm của hai dân tộc cùng chung dòng sông Mê Kông đã và đang sát cánh bên nhau đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Việc thực hiện hơn 50 hiệp định, thỏa thuận, hợp tác toàn diện và song phương trong tất cả các lĩnh vực của Việt Nam và Lào thu nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hai nước từng bước hội nhập thành công, nâng cao vị thế của hai dân tộc trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động, việc thúc đẩy mối quạn hệ đặc biệt Việt Nam - Lào phát triển lên tầm cao mới càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
 Và một sự kiện minh chứng cho tình cảm của đất nước Triệu voi đối với  Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là năm 1989, chuẩn bị kỉ niệm 100 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Lào đã cho phép Bộ Quốc phòng Lào được xây dựng tại Khu di tích Kim Liên một ngôi nhà sàn. Giữa quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy như thấp thoáng đâu đây hình ảnh những người con của đất nước Lào.
  Nhân sự kiện này, Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản sang dự kỉ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Khu di tích Kim Liên trở thành bảo tàng quý báu không chỉ riêng đối với nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân Lào, nhân dân Cam – pu – chia và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới… Khu di tích lịch sử quan trọng này là trường học vĩ đại để nghiên cứu về cuộc đời hoạt động và sự nghiệp của Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.
   Ngôi nhà sàn Lào trưng bày một số hình ảnh, hiện vật nói về mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc Lào – Việt, tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản, Hoàng thân Xuphanuvông và nhân dân các dân tộc Lào.
   Ngôi nhà sàn tại Kim Liên là điểm dừng chân cuối cùng, là nơi hội tụ tình cảm, nơi gặp gỡ thân mật của những người con đất nước Lào và cán bộ Khu di tích Kim Liên. Trong không gian ấm cúng của ngôi nhà sàn Lào, những lời nói, nụ cười, những cái nhìn đầm ấm, trìu mến, điệu Lăm Vông nhẹ nhàng, tình cảm và những cái lắc đầu, xua tay vì không hiểu ngôn ngữ của nhau đã đưa chúng tôi xích lại gần nhau hơn, có những cuộc gặp gỡ khi chia tay vẫn còn lưu luyến và mong muốn được một lần trở lại.
Trải qua 26 năm đưa vào sử dụng, nơi đây đã diễn ra nhiều hoạt động quan trọng, đã đón tiếp hàng triệu lượt du khách trong nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, làm việc, đặc biệt trong đó có nhiều đoàn đại biểu cấp cao của nước CHDCND Lào là anh em. Tuy nhiên do tác động của thời tiết khắc nghiệt ngôi nhà đã xuống cấp, Chính phủ nước  CHDCND Lào có nguyện vọng xây dựng lại nhà sàn Lào lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên.
Ngày 22/7/2016, công trình chính thức được khởi công. Đây là một công trình đặc biệt có ý nghĩa hết sức quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao; thể hiện tình đoàn kết hữu nghị gắn bó keo sơn, tình cảm quý báu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và nhân dân các dân tộc, nhân dân Lào anh em đối với Chủ tich Hồ Chí Minh kính yêu.
Sau hơn 01 năm khẩn trương thi công xây dựng, mặc dù trong quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn như điều chỉnh thiết kế, thay đổi chủng loại vật liệu cho phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của khu vực Miền trung  nhưng công trình đã hoàn thành đúng tiến độ  một cách tốt nhất.
 Ngày 29/09/2017,  Lễ khánh thành và bàn giao công trình Nhà lưu niệm do Chính phủ nước CHDCND Lào tặng khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã được tổ chức. Công trình nhà Lưu niệm được khánh thành có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân hai nước  tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017.
 Nhà lưu niệm có quy mô nhà 02 tầng kiểu kiến trúc nhà sàn cổ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, nhân dân Lào. Trụ bê tông cốt thép, phía ngoài ốp gỗ Gõ Đỏ,  sàn tầng 2 lát gỗ Đinh Hương, trần ốp gỗ và thạch cao. Diện tích sàn xây dựng 315m2. Mái đổ bê tông cốt thép, lợp ngói kiểu kiến trúc Lào, sân đường lát đá tự nhiên, xung quanh trồng cỏ, 02 cây hoa Chăm Pa và 02 Muồng Hoàng yến theo đặc trưng của Lào.
Tầng thứ nhất của nhà lưu niệm là không gian thoáng mát, Tầng thứ 2 là không gian trưng bày bày một số di tích, danh lam thắng cảnh tươi đẹp và lâu đời của nước CHDCND Lào, về tình đoàn kết hữu nghị  đặc biệt Việt Nam – Lào,  những kỷ vật của lãnh tụ hai nước và một số đồ dùng của nhân dân dân các dân tộc Lào.
Với một không gian trưng bày vừa phải nhưng nơi đây  chứa đựng tình cảm lớn lao đặc biệt của nhân dân các dân tộc Lào đối với Chủ tich Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam.
         Nhiều đoàn khách tham quan Lào đã về với quê Bác trong dịp tháng 5 kỷ niệm sinh nhật Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong hương sen ngào ngạt thanh khiết, du khách Lào ngỡ ngàng và xúc động khi gặp mùi hương nồng nàn, quyến rũ của hoa Chăm Pa trước nhà sàn. Hương sen quê hương Bác Hồ  hòa quyện với hương Chăm Pa vào dịp nhân dân hai nước mừng sinh nhật Người ( 6 tháng đầu năm 2022  tháng nào cũng có hơn 01 đoàn Lào về thăm Kim Liên)
          Trong nhiều năm nay, Khu di tích Kim Liên được đónnhiều đoàn khách đến từ đất nước Lào, trong đó các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về thăm: Tổng bí thư, chủ tịch nước Lào Bunnhăng Volachit thăm Khu di tích Kim Liên ( 2018), Phó chủ tịch nước CHDC nhân dân Lào Bun Thoong – Chít  Ma Ni( 25/6/2022)
          Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào ( 5/9/1962- 5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Lào( 18/7/1977- 18/7/2022), chúng ta càng thấm thía hơn lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong buổi lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày thiết lập ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2012) và 35 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị hợp tác (18/7/1977 - 18/7/2012): "Chúng ta nguyện giữ gìn và bảo vệ mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào như giữ gìn và bảo vệ con ngươi của mắt mình ... Coi đây là tài sản thiêng liêng vô giá cần truyền lại cho các thế hệ mai sau". Và đồng chí Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn đã khẳng định: "Chừng nào dòng Mê Kông kia chưa khô cạn, chừng nào dãy trường sơn hùng vỹ kia chưa sập xuống, chừng đó tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn cùng đất nước Lào tươi đẹp".
Bùi Bích Đảm
           
(1)" Theo tư liệu bài viết Bác Hồ từng hoạt động cách mạng tại Lào của Nguyễn Thế Nghiệp đăng trên trang tin điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thông tin tham quan

Liên kết website