GIỌT NƯỚC MẮT VĨ NHÂN
02/09/2023 4:38:41 CH

Trong đời người ai cũng đã từng phải khóc ít nhất một vài lần. Có thể khóc vì buồn tủi, vì đau thương mất mát; khóc vì sự nuối tiếc khôn nguôi hay cũng có thể là khóc vì quá vui sướng hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc vĩ nhân, nhưng cũng như một người bình thường không ít lần rơi lệ. Cũng như cuộc đời đã dành cho dân cho nước, giọt nước mắt của Người hiếm khi là của riêng mình. Giọt nước mắt vĩ nhân Hồ Chí Minh là câu chuyện chưa thấy nhiều bài viết, vì vậy, nhân kỷ niệm 54 năm Người đi xa, chúng tôi xin được viết về những lần Người đã phải khóc, những khoảnh khắc đã ghi dấu trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam yêu nước và nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình.
Trong suốt hành trình vô cùng gian khổ để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, lần đầu tiên Người khóc. Đó là giây phút Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Sau này người đã kể lại: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta". Bản Luận cương đã đáp ứng được lòng mong mỏi bấy lâu của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, là lời giải đáp cho câu hỏi mà Người trăn trở trong suốt những năm tháng bôn ba hoạt động ở nước ngoài, đó là: Cách mạng Việt Nam sẽ phải đi theo con đường nào và làm thế nào để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, làm thế nào để thay đổi vận mệnh của đất nước. Sự kiện này được ghi lại trong bài thơ "Người đi tìm hình của nước", nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả giây phút thần diệu ấy bằng hai câu thơ: 
"Luận cương đến Bác Hồ, và Người đã khóc
Lệ Bác rơi trên chữ Lê nin"
          Đó là giọt nước mắt thiêng liêng của một tâm hồn vĩ đại, cảm xúc ấy chúng ta có thể liên tưởng với niềm vui của Archimedes (Ác si mét) nhảy ra ngoài phố reo lên Eureka (tìm ra rồi), khi phát hiện ra nguyên lý về lực đẩy hồi thế kỷ III trước công nguyên. Nhưng Eureka là kết quả của sự tình cờ, không phải là hơn 10 năm đi và tìm kiếm như Nguyễn Ái Quốc. Những khát khao mong đợi suốt chặng đường dài được Luận cương Lê nin giải đáp trúng bằng nhiều tư tưởng, chiến lược lớn. Vì vậy, Người tin Lê nin và tin vào Cách mạng tháng mười Nga.
Lần thứ hai đó là theo sự kể lại của cụ Đào Nhật Vinh, từng là thủy thủ tàu buôn của Pháp từ năm 1913, đã gặp và trở nên thân thiết với Bác Hồ từ thời Người là thủy thủ Văn Ba. Cụ kể lại rằng, ngày chủ nhật 30/01/1921, cụ đến thăm Bác Hồ (lúc đó gọi là anh Nguyễn). Vừa lên cầu thang, bước tới cửa phòng anh Nguyễn, mùi hương từ trong phòng thơm ngát. Thời kỳ này, lượng người Việt Nam ở Pháp đã lên hàng vạn người, nên việc thắp hương ngày lễ, ngày Tết… đã được nhiều người thực hiện như bên nhà. Nghe tiếng gõ cửa, anh Nguyễn hé từ từ cánh cửa phòng. Thấy tôi, anh vội nói: “Ồ! chú Vinh, vào đi em”. Tôi bồi hồi nhìn vào cái bàn làm việc thường ngày biến thành bàn thờ. Hương nghi ngút, ngọn nến sáng bên con gà ấp trên đĩa xôi… Tôi hơi ngạc nhiên. Không biết ngày gì mà anh Nguyễn lại thắp hương cúng bái như thế này. Anh Nguyễn giọng bùi ngùi giải thích: “Ngày giỗ mẹ anh. Hai mươi năm về trước cũng vào ngày chủ nhật 10/2/1901 là ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý, mẹ anh qua đời.” Anh lặng im. Tôi bật khóc, níu cánh tay anh Nguyễn. Anh trầm lắng giọng: “Bấy giờ nhà trong ngõ Đông Ba, Thành Nội, Kinh đô Huế. Cha anh cùng anh cả đi công việc tận ngoài Thanh chưa về…” Anh siết chặt bàn tay tôi, nén xúc động không nói nên lời…
          Năm 1929, khi đang ở Thái Lan giúp cán bộ Việt kiều củng cố, phát triển tổ chức Việt kiều yêu nước, có lần Người ghé vào một gia đình Việt kiều làm nghề thợ mộc để ngủ qua đêm. Đêm đó chị chủ nhà ngâm kiều ru con, Bác lắng nghe, xúc động nhớ lại thuở nhỏ khi mẹ Bác bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa hát ru con theo làn điệu dân ca xứ Nghệ. Sáng hôm sau, lúc đi đường Bác nói với bạn đồng hành: 
"Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con"
Chỉ một lời ru con bất chợt bắt gặp trên đất khách cũng đủ làm người thanh niên ấy tủi thân, xúc động, hồi tưởng lại quá khứ, nhớ về quê hương, gia đình và đặc biệt là người mẹ tảo tần của Bác. Phải chăng lúc này Bác của chúng ta cũng đã khóc?
Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ về nước, khi bước đến bên cột mốc 108 biên giới Việt - Trung địa phận thuộc xã Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng. Người dừng lại cúi đọc những dòng chữ khắc sâu trên đá rồi hướng tầm mắt nhìn về phía dải đất Tổ quốc điệp trùng. Người không khỏi bồi hồi xúc động, đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn mảnh đất thân thương với đôi mắt ngấn lệ. Đất trời đang vào xuân, hoa nở thắm núi rừng. Đất nước trải qua bao đau thương mà vẫn đẹp một cách kỳ lạ, vẫn hồng hào sức sống bất diệt của hàng ngàn năm lịch sử. Phút giây đó, sau này được Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”.
Sau khi đất nước giành được độc lập, năm 1946 Bác mới có điều kiện gặp lại những người thân yêu nhất của mình, đó là chị gái và anh trai. Cuộc gặp gỡ sau bao nhiêu năm xa cách, mừng mừng, tủi tủi...những ký ức về tuổi ấu thơ, gia đình và quê hương lại ùa về, nhiều người lúc ấy thấy đôi mắt Bác rớm lệ. Cả cuộc đời bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ kính yêu của chúng ta chỉ sắp xếp gặp chị gái với anh trai được một lần duy nhất. Nhưng tình cảm Bác dành cho những người thân yêu ruột thịt không phải tính bằng số lần gặp gỡ mà được Bác khắc ghi trong tim suốt cả cuộc đời. 
Năm 1950, khi chiến tranh Biên giới đang diễn ra gay go và ác liệt, tin anh cả là ông Nguyễn Sinh Khiêm qua đời lòng Bác quặn đau, xót xa, thương tiếc nhưng vì việc nước gánh nặng trên vai, Người gạt lệ gửi bức điện về chịu tang, đưa tiễn anh cả. Nội dung bức điện chỉ có 68 chữ, ý tứ, tình cảm, nỗi tiếc thương day dứt, lời cho người đã khuất, lời với người đang sống...tất cả thật hàm súc.  Bức điện nặng trĩu tâm tư ấy là cả một sự day dứt của tình ruột thịt vì việc nước phải "hy sinh tình nhà". Nỗi đau anh trai mất chưa nguôi thì bốn năm sau, cuối 1954 Bác lại nhận được tin chị gái bà Nguyễn Thị Thanh qua đời. Dẫu biết rằng đây là người thân cuối cùng trong gia đình mình ra đi, nhưng vì việc nước Bác không thể về chịu tang Chị được. Nén nỗi đau vào lòng Bác đăm chiêu, lắng đọng trong đó nỗi niềm xót thương vô hạn. Cũng vào năm 1954, nghe theo lời kêu gọi của Bác có rất nhiều cán bộ và chiến sĩ miền Nam đã hành quân tập kết ra Bắc. Ông Lê Chí Đức (Cao Lãnh,Đồng Tháp) là một trong những chiến sĩ như thế. Theo ông Đức: Trước khi ra Bắc, ông và đồng đội đã bàn nhau xây dựng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Khi xây xong nghĩ Bác không có mặt ở đây thì làm sao thấy ngôi mộ được. Vì vậy mọi người bàn nhau chụp hình mang ra cho Bác. Ngoài ra họ còn bốc một nắm đất gói vào tờ báo và mang ra Hà Nội. Khi ra đến Hà Nội ông Đức đi ra bờ hồ mua hộp sơn mài để nắm đất vào trong đó, bên ngoái viết dòng chữ " kính dâng Bác Hồ nắm đất miền Nam được lấy tại mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc". Nhận được món quà thiêng liêng ấy, Người đã khóc...những giọt nước mắt bùi ngùi, cảm động.
Trong lịch sử đã có những thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã phải thừa nhận  trước Quốc hội năm 1956 về những sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ năm 1953 – 1956. Người đã tự phê bình và nhận trách nhiệm trước toàn dân. Nước mắt Người đã rơi trước những đau thương mất mát, những khuyết điểm do chủ quan, thiếu lắng nghe nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở. Trước quốc dân đồng bào, Người không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của người lãnh đạo cao nhất là chính Người… và khẳng định: "một Đảng mà dấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có và tìm mọi cách mà sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Nhờ vậy mà Đảng ta ngày một lớn mạnh sau những lần công khai thừa nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm, để đề ra được những quyết sách lãnh đạo chèo lái con thuyền cách mạng thành công.
"Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình".
Đối với Bác, ngày hôm ấy đã đánh dấu một mốc lịch sử trong đời, là ngày khép kín vòng tròn 50 năm tạm biệt quê hương, đi vào phương Nam, bôn ba hải ngoại và trở về quê hương từ phương Bắc. Rời quê nhà ở độ tuổi trăng tròn, nay khi đã bước sang tuổi 67 Bác mới có dịp quay về mảnh đất Làng Sen gặp lại người dân xứ Nghệ. Bác bồi hồi xúc động, bắt tay vẫy chào bà con. Về thăm quê, Bác không quên lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa, Bác càng xúc động khi người dân phục dựng lại nguyên trạng từng kỷ vật, từng chi tiết nhỏ đã gắn bó với Bác một thời thuở ấu thơ. Hơn 70 tuổi Bác về thăm ngôi nhà mình đã sinh ra. Bác như trở về với tuổi thơ năm nào, lặng lẽ Người đưa mắt nhìn tất cả các kỷ vật của gia đình, đôi mắt Người đã rưng rưng rớm lệ khi nhìn chiếc khung cửi bên ánh sáng ngọn đèn dầu lạc mẹ đã ngồi dệt vải bao đêm, lặng nhìn cánh võng xưa nơi mẹ ru ba chị em Bác ngủ, lặng nhìn chiếc giường nhỏ đơn sơ nơi ba chị em cất tiếng khóc chào đời và khi nhận ra chiếc rương gỗ kỷ vật của gia đình đôi mắt của cụ già hơn 70 tuổi cứ run run lần theo mép rương ngẹn ngào, xúc động...
Theo lời kể  của cô Nguyễn Thị Châu (tức Tám Châu), nữ cộng sản nổi tiếng đã không thể quên được ánh mắt hiền từ, sự quan tâm mà Bác Hồ đã giành cho cô và những người con từ miền Nam ruột thịt. Bốn lần được gặp Bác đã để lại những kỷ niệm không thể nào phai trong tâm trí bà. Kỷ niệm đáng nhớ nhất đó là lần đầu tiên được ra Hà Nội và vào phủ Chủ tịch thăm Bác Hồ, bữa cơm mà Bác đón hai cô gái miền Nam lần đầu ra thăm miền Bắc thật đạm bạc, gồm một đĩa thịt luộc, một đĩa cà pháo, đĩa rau sống, tô canh rau và trái ớt. Bác luôn nhắc nhở phải ăn hết, không được bỏ thừa vì bỏ thừa là có tội với nhân dân. Đặc biệt Bác quan tâm nhất luôn là chuyện về cuộc sống, tâm tư, tình cảm của những người miền Nam trong chiến tranh. Cô Nguyễn Thị Châu nói, khi nghe kể về tình cảm của anh em trong Trung ương cục miền Nam đối với Bác, rồi chuyện về những em nhỏ sống trong những làng bản bị chiếm đóng không được đến trường, Bác ứa nước mắt. Đặc biệt khi nghe kể về anh em trong tù dặn dò nhau nếu ai có dịp được gặp Bác sau này thì ôm Bác thật chặt thay cho họ thì Bác nghẹn ngào lặng đi một lúc...
Đối với các cháu thiếu nhi miền Nam, Bác giành cả tình thương của mình cho các cháu. Vào cuối năm 1968, trong lần Bác tiếp các dũng sĩ miền Nam, cảm động biết bao khi gặp các cháu Bác hỏi: "Thằng Mỹ to các cháu có sợ không "? Các cháu thưa: "Chúng cháu cũng như đồng bào ở trong đó không hề sợ lính Mỹ, cũng không sợ gian khổ, không sợ chết mà chỉ sợ một điều: Chúng cháu chỉ sợ bị mù cả hai con mắt, đến ngày thống nhất không được nhìn thấy Bác". Vừa nghe trả lời xong, Bác đã khóc, Bác khóc vì thương các cháu, thương đồng bào miền Nam, mong hoài mà chưa một lần được gặp Bác.
Đặc biệt khi Bác ốm nặng, các bác sĩ có đề nghị chuyển Bác xuống một nhà khác, không để Bác ở nhà sàn vì rất nguy hiểm khi đi cầu thang. Mặt khác, những ngày ấy đê vỡ, lũ lụt như vậy thì Trung Ương cũng có ý định mời Bác đi dưỡng bệnh ở nơi khác cho an toàn. Vì thời điểm đó nếu không giữ được đê thì phương án xấu nhất là Hà Nội sẽ ngập trong biển nước. Mọi người lo lắng nhưng Bác khóc và nói: "Bác không thể bỏ dân mà đi được, các chú đưa Bác đi thì chỉ đi được một mình Bác thôi, còn dân các chú tính sao"? Với Bác, dù ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào thì người dân vẫn luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Bác lo cho dân hơn lo cho chính bản thân mình. 
Có thể thấy cả cuộc đời Bác bôn ba tìm đường cứu nước, cho đến lúc Bác về với thế giới người hiền lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng Người khóc đều vì một mục tiêu đó là vì vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Bác khóc vì vui sướng khi tìm được con đường giải phóng dân tộc và Bác lại khóc khi đất nước được độc lập nhưng miền Nam chưa được giải phóng. Đó là điều trăn trở, đau đáu nhất trong cuộc đời của Bác.
 Thông qua câu chuyện: Bác nói hãy an táng Người, nhưng Trung Ương Đảng xin phép được làm khác ý Bác, khác Di chúc của Người về vấn đề này. Các lãnh đạo xin phép Bác được lo "việc riêng" của Người, mong Bác yên tâm để Trung Ương thảo luận và quyết định. Trung Ương xin phép được làm khác với ý Bác vì nếu làm đúng như Di chúc thì sau này đất nước có thống nhất rồi, đồng bào miền Nam muốn thăm Bác thì thăm ở đâu. Khi ấy Bác chỉ khóc.  Đặc biệt theo Giáo sư Hoàng Chi Bảo kể: "Lúc sắp lâm chung, Bác khóc nhiều, diềm gối ướt đẫm nước mắt Người. Còn trên ngực áo Bác cũng thấm đẫm nước mắt của các y bác sĩ trong tổ y tế cố gắng hồi sức cho Người đến những giây phút cuối cùng". Bác khóc nhiều vì lúc này Bác biết Bác không thể phục vụ nhân dân lâu hơn được nữa; Bác luôn trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày Bác ăn không ngon, ngủ không yên”. Bác nhận thấy mình đã đi đến nơi, nhưng chưa về đến chốn”, cái chốn mà Bác nặng lòng nhớ thương đó là miền Nam thân yêu, Bác chưa làm tròn nhiệm vụ cách mạng đối với đồng bào miền Nam, đó là miền Nam vẫn chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất Nam - Bắc một nhà.
Có thể thấy, cuộc đời của Bác đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm, biết bao đau thương mất mát, hy sinh, nhiều lần làm Bác phải rơi lệ. Tuy nhiên, có những lần Bác khóc không phải vì buồn, mà khóc vì quá vui mừng, hạnh phúc. 
 Ở từng thời điểm, từng hoàn cảnh Bác đã tiếp nhận nỗi đau đớn tột cùng một cách bình thản như không có điều gì xảy ra. Người đã ngẩng cao đầu để "biến đau thương thành sức mạnh "để hâm nóng một tinh thần quả cảm hướng về phía trước với mong ước lớn hơn, kiên cường hơn và quyết tâm hơn. Cũng có những lúc Người phải “nuốt nước mắt" để nhấn chìm sự bất an, để chống chọi với sóng dữ đang chực trào lên trong Bác, để “giữ mình” cứng cỏi trước giá trị và trách nhiệm, trước hình ảnh của bản thân trong từng thang bậc quan hệ để rồi nhiều lúc ở một mình, Người lại lặng thầm nhỏ lệ cho vơi bớt buồn đau. Giống như những bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiễn con ra đi không bao giờ khóc :
" Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để giành cho ngày gặp mặt".
        Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa. Nhưng những giọt nước mắt của Người mãi mãi là tình cảm, là niềm tin và là động lực thúc đẩy chúng ta quyết tâm phấn đấu, chiến thắng mọi kẻ thù; hình ảnh của Người  một lãnh tụ vĩ đại, đáng kính luôn luôn trong trái tim mỗi thế hệ chúng ta cũng như bạn bè quốc tế.
Kỷ niệm 78 năm ngày quốc khánh (02/9/1945 -02/9/2023); 54 năm ngày Bác về với thế giới người hiền. Chúng ta lại càng khắc sâu hơn nữa những giọt nước mắt của Người.

                                                                                                Phan Hằng
 

Thông tin tham quan

Liên kết website