CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – NGƯỜI CHA THÂN YÊU CỦA CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG
15/12/2023 10:12:37 SA

Nói về sự hình thành và lớn mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam, không thể không nói đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chính người đã trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân ta trong suốt chiều dài lịch sử. Người được nhân dân Việt Nam gọi với cái tên rất đỗi thân thương "Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam". Hai từ "Người Cha" còn được thể hiện trong tình thương yêu của Bác đối với các chiến sỹ quân đội, đó là sự quan tâm, chăm sóc, "đồng cam cộng khổ", chia ngọt sẻ bùi. Đối với bộ đội, Bác đứng ở ngôi cao mà không xa, giữ trọng trách lớn mà luôn giành tình cảm thân thương, ấm áp cho mọi cán bộ, chiến sỹ, từ tổng tư lệnh Quân đội đến người lính binh nhì, bình nhất.
          Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, những năm tháng sống ở nước ngoài,  Nguyễn Ái Quốc đã tích cực nghiên cứu, học tập và chuẩn bị cho sự ra đời của một quân đội cách mạng. Từ năm 1925 đến năm 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc) Người mở các lớp đào tạo cán bộ để “ươm mầm” những “hạt giống đỏ” cho cách mạng Việt Nam. Sau 30 năm bôn ba khắp các châu lục tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.  
          Tháng 10-1941, Người giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pắc Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Người trực tiếp tham gia huấn luyện cho các đội viên. Đầu tháng 12-1944, tại Pắc Bó (Cao Bằng), Bác triệu tập đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh đến để nghe báo cáo về tình hình phong trào cách mạng của ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng và chủ trương phát động chiến tranh du kích Liên tỉnh ủy. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập. Kế thừa truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, che chở, quân đội ta không ngừng phát triển và trưởng thành, cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đánh thắng những đội quân xâm lược của thực dân đế quốc. Hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Là người sáng lập, rèn luyện, giáo dục và dìu dắt theo dõi quân đội ta ngay từ những ngày đầu thành lập, Bác rất thấu hiểu sự gian khổ, hy sinh to lớn của bộ đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bác từng nói "Trước khi vào quân đội, họ là những người thanh niên khỏe mạnh, vui vẻ. Nhưng vì trải qua ăn gió nằm sương, hứng chịu những trận mưa bom bão đạn, nên nhiều bộ đội, người thì hy sinh tính mạng, người thì tay què chân cụt, và mang nỗi đau thương tật suốt đời. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải trân trọng, yêu thương, nâng đỡ những người con trung hiếu đó".
          Trong suốt những năm trên cương vị Chủ tịch Nước, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn dành nhiều tâm sức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục quân đội từ việc lớn đến việc nhỏ. Việc lớn Bác dạy toàn thể cán bộ và chiến sỹ cần phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hóa, cần phải nâng cao lập trường và tư tưởng của giai cấp công nhân. Cần phải nắm vững được đường lối quân sự của Đảng, ra sức rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật, cần phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Việc nhỏ Bác căn dặn bộ đội không bao giờ được tơ hào từ cái kim, sợi chỉ của nhân dân, và phải kính yêu dân, tôn trọng dân, bảo vệ dân ở mọi lúc mọi nơi. Tình thương yêu của Bác dành cho cán bộ chiến sỹ quân đội như tình cảm của người cha dành cho những đứa con ruột thịt của mình.
          Sinh thời Bác nhiều lần ra trận địa, hỏi thăm bộ đội đang làm nhiệm vụ huấn luyện trực chiến. Bác cũng luôn động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất để có nhiều lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội, để bộ đội có điều kiện ăn no đánh thắng. Bác huấn thị cho những người làm công tác hậu cần quân đội: "Phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ". Đối với các cấp chỉ huy trong quân đội, Bác yêu cầu từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống, phải chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên. Phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên: "Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt". Ngay trong xưng hô Bác cũng thể hiện một thái độ thân tình đặc biệt. Trong khi nói chuyện với cán bộ chiến sĩ đại đoàn quân tiên phong Bác dùng đại từ nhân xưng "Bác" và "Cháu", "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Để thể hiện sự gần gũi, yêu thương như người Cha, người Bác dành cho con cháu. Vừa nói lên tình cảm sâu nặng, và niềm tin son sắt của lãnh tụ đối với cán bộ chiến sỹ quân đội ta trong sự nghiệp bảo vệ giang sơn gấm vóc. 
          Bác Hồ đã đi xa nhưng những tình cảm, tình yêu thương, lời căn dặn của Người với cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam luôn được thắp sáng với niềm tin mãnh liệt, là kim chỉ nam cho mọi hành động trong học tập, rèn luyện, phấn đấu thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao để cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng danh là “Bộ đội cụ Hồ”.
                                                                            

                                                                                                Bùi Việt Hà
 

Thông tin tham quan

Liên kết website