CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ NHỮNG DẤU ẤN ĐẶC BIỆT TRONG THÁNG 6
04/06/2023 2:31:33 CH

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, tên tuổi của Người gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc ta và có ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở thế kỷ XX. Qua tìm hiểu, chúng ta thấy có một điều ngẫu nhiên nhưng đầy thú vị mà dường như ít người để ý đến: Nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt trong Cuộc đời và Sự nghiệp của Bác Hồ đều diễn ra vào thời gian những ngày tháng Sáu.
       Cách đây 112 năm, ngày 05/6/1911 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác mà còn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, nhân dân ta “một cổ hai tròng” chịu nhiều lầm than, cực khổ, bị áp bức, bóc lột tàn bạo. Nhiều phong trào đấu tranh của các văn thân, sỹ phu diễn ra nhưng tất cả đều thất bại. Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự trăn trở về vận mệnh dân tộc, bằng sự hiểu biết của bản thân, Nguyễn Tất Thành sớm nhận ra con đường do những người đi trước sẽ chưa giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, phải ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước độc lập phát triển để trở về giúp đồng bào. Nung nấu quyết tâm đi tìm một con đường cứu nước mới, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt, đi bộ từ Phan Thiết để tới Sài Gòn, tìm cơ hội xuất dương. Với tên mới là Văn Ba, Người đã rời cảng Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) ra đi với một hoài bão lớn lao, một quyết tâm cháy bỏng, đó là giành “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Cuộc hành trình vạn dặm đầy gian khổ: qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước. Đây chính là bước ngoặt quan trọng, một sự lựa chọn lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho quá trình tìm đường cứu nước của Người.
Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, cách đây 104 năm, ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành gửi tới Hội nghị Véc xây bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Người đưa ra tám yêu sách thiết thực, đấu tranh đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền độc lập tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Đây là một sự kiện lịch sử gắn liền với sự xuất hiện: lần đầu tiên tên gọi “Nguyễn Ái Quốc”, để từ đây tên tuổi, sự nghiệp vĩ đại của Người cống hiến cho dân tộc và nhân loại được tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là điểm khởi đầu của một hành trình đấu tranh cách mạng, đã gây chấn động nước Pháp và thế giới. Với bản Yêu sách này, Nguyễn Ái Quốc đại diện cho một dân tộc bị "mất tên" trên bản đồ thế giới đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của một nước thuộc địa ra quốc tế; đòi cho nhân dân Việt Nam những quyền cơ bản, chính đáng, cụ thể ngay giữa vòng vây của kẻ thù. Yêu sách thực sự như một tiếng kêu cứu, một tiếng nói hiện diện của người dân ở xứ thuộc địa tại một Hội nghị quốc tế. Từ bản Yêu sách này, những lục địa chưa được gọi là "văn minh" hẳn sẽ thức tỉnh và tìm thấy "tiếng nói của dân tộc mình", "như mình", "cho mình" trong hành trình đấu tranh đòi tự do, dân chủ và quyền bình đẳng. Ngay sau khi bản Yêu sách được gửi cho các đoàn đại biểu dự Hội nghị Véc xây, Nguyễn Ái Quốc đã nhận được thư trả lời cảm ơn của đoàn đại biểu Nicaragoa về Yêu sách tám điểm này. Cùng đó là lá thư của đoàn đại biểu Hoa Kỳ với lời hứa “sẽ trình thư đó lên Tổng thống”, v.v... Cho đến nay, hơn một thế kỷ, "Yêu sách của nhân dân An Nam" vẫn vẹn nguyên giá trị.
           Những hoạt động xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao. Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cử Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva dự Đại hội V- Quốc tế Cộng sản. Điều này phù hợp với nguyện vọng cháy bỏng, thiết tha của Người là được đến nước Nga Xô viết, trung tâm của phong trào cách mạng thế giới để học tập kinh nghiệm lý luận và thực tiễn một cách có hệ thống. Sau nước Pháp, nước Nga Xô viết là chặng đường quan trọng thứ hai để Nguyễn Ái Quốc hoàn thiện và củng cố vững chắc hơn những luận điểm cơ bản về con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pari đi Liên Xô. Ngày 30/6/1923, Người đến Pêtơrôgrát, quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Ít ngày sau, Người lên xe lửa đi Mátxcơva. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có mặt trên đất nước Lênin, nơi nhân dân Liên Xô đã được tự do và đang xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng. Trên đất nước của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động, học tập để hướng tới con đường giải phóng dân tộc và góp phần phát triển tư tưởng độc lập tự do cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Năm này đất nước ta kỷ niệm tròn 100 năm (30/6/1923 - 30/6/2023) ngày lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến nước Nga, một sự kiện đặc biệt quan trọng cho những thay đổi mang tính chất quyết định đến con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.
          Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang, Bác Hồ luôn gắn bó với báo chí. Bác coi báo chí là phương tiện để vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng, hiệu quả nhất. Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu, Bác vẫn quyết sáng lập, chỉ đạo, phát hành những tờ báo cách mạng. Ngày 14/6/1925 tại Quảng Châu - Trung Quốc, Người đã thành lập tổ chức "Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên" - nơi vun trồng hạt giống cách mạng, từ đó làm tiền thân hình thành nên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Để có tiếng nói rộng rãi trong quần chúng nhân dân, ngày 21/6/1925, Báo thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo, đồng thời là cây bút chủ chốt. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có "Gia Định báo" và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Nhưng báo "Thanh niên" đã mở ra một dòng báo chí mới: báo chí cách mạng Việt Nam. Từ khi có báo "Thanh niên", báo chí Việt Nam mới giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Như vậy, không chỉ là một Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người sáng lập nền Báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là một nhà báo lỗi lạc. 98 năm qua (21/6/1925 - 21/6/2023) những lời dạy của Người về báo chí vẫn là tài sản quý đối với nền Báo chí cách mạng Việt Nam.
          Cách đây 75 năm (ngày 11/6/1948 - 11/6/2023), khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc" nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Trong Lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: "Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa". Theo tư tưởng của Người, mục đích của Thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho Nhân dân, để "toàn dân đủ ăn mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn". Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất". Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc, của quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, Người còn chỉ rõ: "Thi đua chứ không phải ganh đua" nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Trong quá trình phát động thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của phong trào. Người xác định: "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ: giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người. Trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi".
          Trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ đã dành toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vừa xây dựng kiến thiết đất nước, vừa đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Người chưa được về thăm quê hương Nghệ An - nơi "chôn rau cắt rốn". Mãi đến ngày 16/6/1957 (cách đây 66 năm), lần đầu tiên Bác mới có dịp trở về thăm quê cha, đất mẹ, bà con lối xóm, bạn bè với tình cảm rất đỗi thân thương, xúc động.
                               "Quê hương nghĩa trọng tình cao
                           Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình"
Bác vào thăm ngôi nhà nhân dân mừng thân sinh đỗ Phó bảng. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Ngôi nhà này là nơi đã chứng kiến quá trình lao động, học tập và trưởng thành của cậu Nguyễn Tất Thành; là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước, về nhận thức xã hội và ghi dấu những hoạt động cứu nước bước đầu của Người. Bác bùi ngùi nhớ lại khi ra đi quê hương còn nô lệ, nay trở về vui mừng vì đất nước được tự do, đồng bào no ấm. Bằng giọng trầm ấm của người con xứ Nghệ, Bác dặn dò: "Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm". Nhiều người dân không kìm được nước mắt trước tình cảm quê hương sâu nặng nghĩa tình trong trái tim vị lãnh tụ, dù đã xa nhà hơn 50 năm. Chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 3.000 đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An. Phấn khởi trước sự họp mặt đông đủ các tầng lớp nhân dân, Bác đọc câu thơ:
                             "Chúng ta đoàn kết một nhà
                           Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu".
Bác khen ngợi những thành tích mà tỉnh Nghệ An đã giành được trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và trong 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế; nêu một số khuyết điểm mà cán bộ và nhân dân cần khắc phục. Người nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt mà đồng bào và cán bộ Nghệ An phải chú ý thực hiện là: Phải làm tốt công tác sửa sai; hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế và trả nợ cho Nhà nước; phòng chống thiên tai; thực hiện đoàn kết; phát triển nếp sống thuần phong, mỹ tục, thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước. Kết thúc buổi nói chuyện, mọi người cùng hát bài "Kết đoàn" trong không khí thân tình, vui vẻ.
            Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc hành trình đấu tranh không mệt mỏi và dâng hiến toàn bộ tâm sức, trí tuệ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Người là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, là nguồn cổ vũ lớn lao cho dân tộc Việt Nam. Trong không khí hân hoan của những ngày tháng Sáu lịch sử, toàn Đảng, toàn dân ta tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm các sự kiện trọng đại để tri ân, tưởng nhớ Bác Hồ muôn vàn kính yêu./.
 

                                                      Lê Hà
 
 
 
 
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website