CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA NĂM 1946
02/01/2024 3:27:19 CH

(Ảnh: Hàng vạn nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh
và các vị được giới thiệu ứng
cử Đại biểu Quốc hội. Hà Nội, ngày 5/1/1946.
Nguồn: Bảo  tàng Hồ Chí Minh).

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân làm chủ vận mệnh của đất nước. Tuy nhiên, do tình hình lịch sử lúc bấy giờ: Tài chính đất nước kiệt quệ, dân trí lạc hậu (90% mù chữ), nạn đói hoành hành, thù trong giặc ngoài đang nhăm nhe lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ… Có thể nói, vận mệnh của Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Để giữ vững và xây dựng được chính quyền cách mạng ngày càng vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương cần phải tìm người hiền tài để giúp dân, cứu nước. Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, tức một ngày sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống ...."[1].
Do đó, ngày 8/9/1945 Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14/SL về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu Quốc hội. Bản Sắc lệnh đã nhấn mạnh yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời chỉ rõ chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó; và quy định: “Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký Sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội. Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, một Ủy ban dự thảo Hiến pháp bảy người sẽ được thành lập”[2].
Ngày 16/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Tiếp đó, Chính phủ lâm thời đã ban hành các Sắc lệnh để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho việc Tổng tuyển cử như: Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 về việc thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp (gồm có: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu); Sắc lệnh số 39/SL ngày 26/9/1945 về việc thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 9 người, trong đó có đại diện của các ngành, các giới.
Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử gồm 70 điều. Trong đó, quy định cuộc Tổng tuyển cử phải được tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bí mật, đồng thời ấn định thời gian Tổng tuyển cử toàn quốc vào ngày 23/12/1945. Tuy nhiên, do Điều thứ 11 của Sắc lệnh số 51/SL vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, đến ngày 2/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 71 để sửa đổi, bổ sung Sắc lệnh 51 về thủ tục ứng cử: Vì sự giao thông hiện thời khó khăn, người ứng cử có thể gửi đơn ứng cử ngay cho Ủy ban Nhân dân nơi mình trú ngụ, và yêu cầu Ủy ban Nhân dân ấy điện cho Ủy ban Nhân dân nơi mình xin ứng cử. Đơn và giấy chứng thực đủ điều kiện sẽ do Ủy ban Nhân dân nơi trú ngụ chuyển sau cho Ủy ban Nhân dân nơi ứng cử... để tạo điều kiện cho những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử có đủ thời gian ứng cử và vận động tuyển cử.
Các phần tử Việt Quốc, Việt Cách biết rằng sẽ thất bại ê chề trong cuộc Tổng tuyển cử nên ra sức hoạt động chống phá chủ trương này. Các cơ quan ngôn luận của bọn chúng như các báo Việt Nam, Thiết thực, Đồng tâm rêu rao rằng không thể Tổng tuyển cử vì dân trí còn thấp kém, không đủ năng lực thực hiện quyền công dân… Sau đó họ xin lùi cuộc Tổng tuyển cử lại. Trước tình hình đó, một số cán bộ tỏ ra lo lắng, nhưng với lòng tin tuyệt đối vào nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sách lược mềm dẻo nhưng kiên quyết tiến hành Tổng tuyển cử. Ngày 8/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 76-SL hoãn ngày Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946 và kéo dài hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27/12/1945.
Với niềm tin vào Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã một lòng ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc. Nhiều người có tài, có đức đã tự ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách các cử tri và ứng cử viên được niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức tối đa những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức. Tại các địa phương, nhân dân ta nô nức kéo về trụ sở chính quyền các tỉnh thành, huyện lỵ mít tinh hoan nghênh Tổng tuyển cử và ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và đại biểu các làng xã đã công bố một bản kiến nghị “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Trước tình cảm yêu mến đó, ngày 15/12/1945, Người đã viết thư cảm ơn nhân dân ngoại thành Hà Nội: “Tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào…”[3]. Không chỉ ở các tỉnh thành mà ở cả các bản làng xa xôi hẻo lánh cũng tràn ngập không khí, tưng bừng, rộn ràng tiếng cồng chiêng cổ động cho Tổng tuyển cử. Đến cả kiều bào xa xứ ở các nước như Pháp, Thái Lan, Lào… cũng tổ chức mít tinh, hội họp, gửi điện tín, ủng hộ Tổng tuyển cử. Có thể nói, cả dân tộc như hừng hực khí thế và sức sống trước ngày hội của non sông.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước đã được Chính phủ chuẩn bị một cách khẩn trương và chu đáo. Ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Chính phủ Liên hiệp lâm thời để kiểm tra lần cuối công việc chuẩn bị. Trước ngày bầu cử (ngày 5/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ hơn hai vạn nhân dân Thủ đô trong cuộc mít tinh tại Việt Nam Học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội). Thay mặt các ứng cử viên, Bác nói: “Từ trước đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây ta vừa tranh được độc lập… Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó… Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu…”[4].
Cũng trong ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu:
“Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946…
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…
Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước…
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử.
Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”[5]. Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời hiệu triệu động viên toàn dân nô nức, phấn khởi, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình để bầu chọn những đại biểu có đủ tài, đức; xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại các cơ quan quyền lực nhà nước; góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…
Ngày 6/1/1946, ngay từ 6 giờ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi làm nghĩa vụ công dân của mình ở thùng phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ), Hà Nội, thay mặt cả nước nhận lá phiếu đầu tiên của người công dân số 1. Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê... Buổi trưa, Người ghé thăm các cháu thiếu nhi đang đi cổ động cho Tổng tuyển cử ở phố Lò Đúc. Với lòng yêu nước của nhân dân, với sự chuẩn bị chu đáo, cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ. Đại bộ phận cử tri đã hăng hái và sáng suốt thực hiện quyền công dân của mình. Quốc hội khóa I gồm 403 đại biểu, trong đó có 333 đại biểu được bầu chính thức. (Bắc Bộ có 152 đại biểu, Trung Bộ có 108 đại biểu, Nam Bộ có 73 đại biểu) và 70 đại biểu của Quốc dân Đảng không thông qua bầu cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử đại biểu Quốc hội với sự tín nhiệm cao nhất, chiếm 98,4% số phiếu bầu. Kết quả này là một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự do của dân tộc ta và uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn thể nhân dân Việt Nam.
Nói về Tổng tuyển cử, trong bài Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/3/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Nó là kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta… Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Ðó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng, lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối[6].
Do điều kiện chiến tranh, nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa I kéo dài từ tháng 1/1946 đến tháng 5/1960. Thông qua 12 kỳ họp, Quốc hội khóa I luôn có mặt bên cạnh Chính phủ chỉ đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc; xây dựng và ban hành Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; giải phóng và đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội; chi viện cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập; tự quyết định vận mệnh của mình; tự lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hoà dân chủ; nước ta không những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước.
Thắng lợi của Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tinh thần yêu nước của nhân dân ta, là dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam; mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Gần 80 năm trôi qua, nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn, những thành quả mà Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại gây dựng lên đã và đang được các thế hệ kế thừa, phát huy để ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân thật sự là Ngày hội của toàn dân./.
 
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.7
[2]. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 3, tr.7,8
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr.136
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr.168
[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr.166,167
[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr.216,217
 
Vương Nga

Thông tin tham quan

Liên kết website