KHUNG CỬI, KỶ VẬT THIÊNG LIÊNG CỦA BÀ HOÀNG THỊ LOAN - THÂN MẪU CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
08/03/2024 2:59:28 CH

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX xã hội Việt Nam có những biến đổi hết sức to lớn. Thực dân Pháp xâm lược và biến nước ta thành xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cả nước nói chung và nhân dân làng Sen, làng Chùa (xã Chung cự) nay là xã Kim Liên, Nam Đàn nói riêng. Đời sống nhân dân đói khổ, người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nhưng phải thường xuyên chống chèo với thiên nhiên khắc nghiệt, ruộng đất khô cằn, mất mùa thường xuyên. Cho nên ngoài làm ruộng ra một số người còn tìm làm thêm nhiều nghề phụ khác như nghề rèn, mộc, đan, dệt vải kéo sợi… trong đó nghề dệt vải kéo sợi là chủ yếu.Tuy nhiên, nghề dệt vải kéo sợi lại không phải nhà nào cũng có khung cửi để dệt vải mà chỉ có ở một số gia đình. Điển hình có gia đình bà Hoàng Thị Loan thân mẫu chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
          Khung cửi là một vật dụng dùng để dệt ra các thứ vải vóc phục vụ nhu cầu may mặc và trao đổi, mua bán nhằm trang trải cuộc sống hàng ngày.
          Ngay từ khi còn nhỏ bà Hoàng Thị Loan đã nhận thấy: bố đẩy cày trên ruộng không thạo bằng đưa bút, cầm liềm không đẹp bằng cầm sách. Nhưng với mẹ cầm liềm và cái thoi đều khéo léo như nhau. Bà nhận thấy dưới chế độ phong kiến việc học chữ là của đàn ông còn đàn bà con gái chỉ học làm ruộng và dệt vải phụ giúp chồng nuôi con khôn lớn. Việc kéo sợi dệt vải chủ yếu là của đàn bà, con gái nên họ thường xuyên tập trung lại cùng nhau làm cho vui vừa tiết kiệm đèn dầu vừa động viên cổ vũ lẫn nhau. Từ đó mà phong trào hát phường vải ra đời. 
          Khi lớn lên, bà kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc là một người mồ côi cả cha lẫn mẹ được cụ tú Hoàng Xuân Đường (thân sinh bà Loan), xin về nuôi từ bé. Cuộc sống vất vả khó khăn về vật chất nhưng để chồng có điều kiện dùi mài kinh sử, thi cử đỗ đạt bà đã miệt mài chăm chỉ, ngoài làm ruộng ra còn thời gian rỗi nào bà đều tranh thủ xe tơ, dệt vải. Hằng đêm, khi các con đã ngủ bà lại ngồi vào khung cửi vừa để dệt vải có thêm nguồn trang trải nhưng cũng vừa thức cùng chồng để ông có thêm động lực, chuyên tâm học hành. Có thể nói khung cửi là vật dụng vô cùng quan trọng đối với tất cả các thành viên trong gia đình. Khung cửi đã góp phần rất lớn trong việc nuôi chồng ăn học và nuôi con khôn lớn của bà Hoàng Thị Loan. Chính tiếng thoi đưa dệt vải cùng những lời ru à ơi bên cánh võng đã nuôi dưỡng, gieo vào tâm hồn thơ bé của anh, chị em Bác những bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người.
Đó là những bài học đầu tiên trong cuộc đời của Bác, nó thật bình dị, giản đơn nhưng lại có sức lắng đọng hơn tất cả. Những làn điệu dân ca, những câu hát ví dặm…dường như đã nhen nhóm lên trong tuổi ấu thơ của Bác một thực tế cuộc sống xã hội Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XIX. Đó là một xã hội phong kiến nửa thuộc địa, thân phận người dân phải sống trong kiếp nô lệ lầm than, các giá trị đạo đức bị chà đạp. Từ đó Người có thể cảm nhận được cuộc sống cùng cực của dân tộc. Đây có thể được xem là điểm xuất phát cho một tình yêu quê hương, đất nước trong con người Bác.
          Bà Hoàng Thị Loan đã đi xa nhưng những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với cuộc đời của bà vẫn còn mãi trong tâm trí mỗi chúng ta.
 


Khung cửi được phục dựng để trưng bày tại Phòng trưng bày Khu mộ bà Hoàng Thị Loan
 
          Hiện nay, ngoài chiếc khung cửi gốc này (được trưng bày trong ngôi nhà quê ngoại Bác Hồ ở làng Hoàng trù, Nam Đàn, Nghệ An) thì tại đền thờ bà Hoàng Thị Loan thuộc thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và  ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan cũng trưng bày chiếc khung cửi được chế tác theo nguyên mẫu khung cửi gốc để tưởng nhớ bà. Gần đây nhất vào tháng 12 năm 2023, tại phòng trưng bày Ban quản lý khu mộ, Khu di tích Kim Liên đã cho phục dựng lại chiếc khung cửi của bà để trưng bày...Với mong muốn bảo tồn những giá trị văn hoá, góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ biết và yêu nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời để nhắc nhớ và tôn vinh công lao to lớn của bà Hoàng Thị Loan, người mẹ Việt Nam đã có công sinh thành và nuôi dưỡng nên những người con yêu nước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất.                                                      
                                                                                                                                                                                                                                 Phan Hằng

Thông tin tham quan

Liên kết website