MỘT SỐ THÔNG TIN TƯ LIỆU TẠI KHU DI TÍCH KIM LIÊN
20/02/2024 4:19:44 CH

Nhiều du khách khi về thăm quê Bác đã thắc mắc hỏi thuyết minh và bảo quản tại di tích nhà quê nội Bác Hồ ở Làng Sen rằng: Tại sao có một căn hầm xây bằng gạch nằm chìm dưới lòng đất trong khuôn viên di tích? Hàng cây xà cừ cổ thụ bên ngoài đường vào quê nội Bác Hồ được trồng vào thời gian nào? Ngôi nhà lợp ngói (bên ngoài bờ rào, sau hồi nhà ngang cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) để làm gì? Để trả lời nhu cầu tìm hiểu của du khách, Khu di tích Kim Liên xin cung cấp một số thông tin liên quan đến các nội dung mà du khách hỏi như sau:

1. Về căn hầm tại di tích Làng Sen
Khu di tích Kim Liên được khôi phục bảo tồn, tôn tạo vào năm 1956. Những năm đầu di tích mới được khôi phục phải ghi nhận công lao rất lớn của chính quyền địa phương xã Kim Liên và bà con hai dòng họ: họ Nguyễn Sinh và họ Hoàng Xuân đã phối hợp cử người thường xuyên trực bảo vệ, bảo quản các di tích tuyệt đối an toàn và sạch đẹp; hàng năm đón tiếp hàng trăm đoàn khách và nhân dân tới thăm viếng. Những tấm gương tiêu biểu mà bà con Kim Liên thường nhắc tới đó là các cụ đã quá cố như cụ Nguyễn Sinh Thoán, cụ Nguyễn Sinh Mợi, cụ Nguyễn Sinh Hảo, cụ Nguyễn Sinh Vinh, cụ Nguyễn Danh Vận, cụ Nguyễn Danh Chuơn, cụ Nguyễn Văn Thuần… đã có công chăm sóc bảo vệ di tích chu đáo trong thời kỳ đầu.
 Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt (1964-1968), giặc Mỹ dùng không quân đánh phá ra miền Bắc, các gia đình nhà nào cũng dựng hoặc xây cho mình một căn hầm trú ẩn phòng khi giặc Mỹ đến ném bom. Để đảm bảo công tác và an toàn cho tài liệu, hiện vật tại di tích và khách tham quan khi về thăm quê Bác, địa phương đã cho xây dựng một căn hầm trú ẩn kiên cố ngay bên cạnh ngôi nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
 Năm 1970, Bảo tàng Kim Liên được thành lập, công tác bảo tồn, tôn tạo ngày càng được quan tâm, đầu tư xây dựng, như: Nhà thờ Bác Hồ, Khu trưng bày, Lò rèn, Giếng Cốc, Khu ở của cán bộ viên chức, Nhà kho tư liệu hiện vật, Nhà khách … Công tác PCCC, công tác bảo vệ được chú trọng, như: thành lập Đồn công an bảo vệ kiêm làm công tác PCCC. Căn hầm ngày xưa đã được cải tạo lại thành bể dự trữ nước dùng cho công tác PCCC bảo vệ  di tích  nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Làng Sen.
Trải qua thời gian, căn hầm đã bị xuống cấp. Sau khi xác minh tư liệu lưu trữ về công tác bảo vệ nhà Bác Hồ trong giai đoạn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lưu tại Khu di tích Kim Liên và qua lời kể của nhân dân trong làng Sen như của cụ Nguyễn Sinh Vinh; bà Thoán vợ ông Nguyễn Sinh Thoán; lời kể của ông Nguyễn Sinh Hảo cho con cháu trong nhà biết về công năng trước đây của căn hầm, Khu di tích Kim Liên quyết định tôn tạo, tu sửa lại căn hầm để làm chứng tích về một thời gian khổ khó khăn của Đảng bộ và nhân dân Kim Liên trong việc bảo vệ nhà Bác Hồ, đặc biệt là công lao thầm lặng của đội bảo vệ nhà Bác Hồ do xã Kim Liên thành lập từ năm 1957 – 1970.
Ngoài ra, căn hầm cũng là chứng tích ghi dấu sự sáng tạo của các chiến sỹ công an làm công tác phòng cháy trong giai đoạn gian khổ, khó khăn của đất nước khi họ đã tận dụng căn hầm này để làm bể dự trữ nước phòng cháy luôn đảm bảo nguồn nước để bảo vệ an toàn tuyệt đối di tích nhà Bác Hồ ở làng Sen. (Lâm Hùng ghi theo lời kể của cụ Nguyễn Sinh Vinh xóm Sen 3, xã Kim Liên, năm 1998).
 

Căn hầm tại Di tích Làng Sen
 
 
2. Lịch sử hàng cây xà cừ
 
Dịp về thăm quê lần thứ 2 (tháng 12 năm 1961), khi vào thăm Đền Làng Sen, thấy hàng cây bạch đàn hai bên đường bị chết, Bác khuyên cán bộ nên chọn loại cây phù hợp trồng để vừa có bóng mát, vừa có chất gỗ tốt, trồng phải bảo đảm sống 100%. Sau khi Bác rời quê ra Hà Nội, Đảng bộ xã Nam Liên (nay là Kim Liên) phát động phong trào “Trồng cây thực hiện lời Bác dặn”. Mọi người quyết định chọn cây xà cừ vì có bóng mát và gỗ tốt. Đảng bộ quyết định mỗi đảng viên trồng hai cây, cán bộ chủ chốt trồng 4 cây, có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây phát triển tốt. Nhiều người dân cũng xung phong trồng cây. Đến dịp 19/5/1962, đồng chí Nguyễn Sinh Quế - Bí thư Đảng ủy xã viết thư báo cáo Bác đã trồng xong hàng cây trên đường vào trung tâm xã và các đường chính của xã, với số lượng 500 cây.  
Hơn 60 năm qua, hàng cây xà cừ ở Kim Liên đã trở thành hình ảnh thân quen trong lòng nhân dân nơi đây, nó không những che bóng mát cho du khách khi về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn tạo nên một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thân thiện với môi trường. (Lâm Hùng ghi theo lời kể của bác Nguyễn Sinh Quế, 82 tuổi - nguyên Bí thư Đảng bộ xã Kim Liên, năm 1961).

 

Hàng cây xà cừ cổ thụ bên ngoài đường vào quê nội Bác Hồ 

 
3. Ngôi nhà lợp ngói (phía ngoài bờ rào, sau hồi nhà ngang cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc)
 
Cùng với việc phục dựng lại các di tích, năm 1957, tỉnh Nghệ An đã cho dựng một ngôi nhà khách 3 gian (đầu hồi nhà ngang cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc) để đón Bác Hồ về thăm quê.
Ngày 16-6-1957, sau hơn 50 năm xa cách, Bác Hồ mới có dịp trở lại thăm quê hương Nghệ An. Khi Bác về Kim Liên, đồng chí Hà Ngạn là Chủ tịch xã đã đứng sẵn ở cổng nhà khách, kính cẩn mời Bác vào nhà khách để nghỉ. Bác cười hiền từ và nói: "Nhà khách là dành để tiếp khách, Bác là chủ để Bác vào thăm nhà...". Sau này, Ty Văn hóa Nghệ An đã sử dụng ngôi nhà khách nhỏ này để đón khách tham quan và làm nơi ở của lực lượng bảo vệ nhà Bác. Ngôi nhà đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên được yếu tố gốc của nó. Hiện nay, Khu di tích Kim Liên đang sử dụng ngôi nhà này để trưng bày các hiện vật và hình ảnh 2 lần Bác Hồ về thăm quê để phục vụ khách tham quan.
                                               Ngôi nhà lợp ngói (phía ngoài bờ rào, sau hồi nhà ngang cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc).                                                                    
 Lâm Đình Hùng

 

 
 

 

Thông tin tham quan

Liên kết website