NHỮNG CÁI TẾT CỔ TRUYỀN VÀ NHỮNG BÀI THƠ CHÚC TẾT CỦA BÁC HỒ
09/02/2024 11:06:48 SA

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp bà con kiều bào Việt Nam ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên
đến thăm và chúc tết Người tại Phủ Chủ tịch, ngày 29-1-1960. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

 
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đặc biệt là từ khi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941) đến khi về với thế giới người hiền (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cái tết cổ truyền đáng nhớ và để lại cho nhân dân ta một di sản quý báu gồm 22 bài thơ chúc Tết, với biết bao tình cảm ấm áp, thương yêu và với một niềm tin xuyên suốt “Năm mới, thắng lợi mới”. Sau đây, tác giả xin giới thiệu 15 cái tết Nguyên đán của Bác Hồ với những bài thơ chúc mừng năm mới (từ năm 1955 - 1969).
Tết Nguyên đán Ất Mùi 1955, là cái tết đầu tiên Bác về Thủ đô Hà Nội sau chín năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi. Ngày 30 tết, Báo Nhân dân, số 328, ngày 23-1-1955, đăng bài Chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó, có câu đối tết:
“Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ - Tam dương khai thái.
Đoàn kết, Thi đua, Tăng gia, Tiết kiệm - Ngũ phúc lâm môn”. [1]
Ngày mùng 1 tết, Bác đi thăm công trường xây dựng đập nước Bắc Thái và công trường xây dựng tuyến đường sắt Mục Nam quan, một đơn vị quân đội và mấy gia đình nông dân ở xã. Người ở lại ăn tết với anh em công nhân và tặng công trường một số huy hiệu để làm giải thưởng thi đua.
          Tết Nguyên đán Bính Thân 1956, Báo Nhân dân, số 670, ngày 2-1-1956. đăng bài thơ Chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Thân ái mấy lời chúc Tết:
Toàn dân đoàn kết một lòng,
Miền Bắc thi đua xây dựng,
Miền Nam giữ vững thành đồng,
Quyết chí, bền gan phấn đấu,
Hoà bình, thống nhất thành công”. [2]
Đêm giao thừa, Bác đi thăm và chúc tết anh em thương binh hỏng mắt Hà Nội. Sáng mùng 1 tết, Bác đến chúc tết đại biểu nhân dân Hà Nội; anh chị em miền Nam tập kết, học sinh tường cán bộ dân tộc thiểu số, bà con Hoa kiều đang họp mặt mừng năm mới tại Ủy ban Hành chính thành phố. 13h, Bác đến chúc tết công nhân Việt Nam, Trung Quốc, Âu Phi tại Công trường xây dựng câu Việt Trì (Phú Thọ). 15h, Bác thăm và chúc tết bà con nông dân xóm Yên Định, xã Tiền Phong, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. 18h, Người đến thăm và chúc tết cán bộ, học viên Trường bổ túc Văn hóa cán bộ miền Nam.
          Tết Nguyên đán Đinh Dậu 1957, buổi sáng 30 tết, Bác đón Đoàn nghệ thuật kinh kịch Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc tại Phủ Chủ tịch. Buổi chiều, Bác tiếp các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đến chúc tết Người. Buổi tối, Bác đi thăm 5 gia đình công nhân ở khu lao động Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy điện Bờ Hồ ở An Dương. Sau đó, Bác đến thăm và chúc tết các gia đình: cụ Nguyễn Thị Khánh, quê ở Thùa Thiên, có 6 con đi bộ đội, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Khắc Vĩ hy sinh ở Điện Biên Phủ; anh Phan Đăng Kỳ - cán bộ miền Nam tập kết; bà Thóc - một góa phụ nghèo một mình nuôi 4 con nhỏ ăn học. Sáng mùng 1 tết, Bác về thăm và chúc tết một số gia đình cơ sở cách mạng cũ ở thôn Phú Gia, Phú Thượng, Từ Liêm, Hà Nội; sau đó, Người đi thăm và chúc tết một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô. Bác đến thăm trại trẻ mồ côi Kim Đồng ở Thanh Oai, Hà Tây; thăm công trường xây dựng số 4 và thăm cảnh nhân dân Thủ đô vui đón tết.
          Tết Mậu Tuất 1958, cuối buổi chiều 30, Bác đi thăm Miến Điện về đến Thủ đô Hà Nội nên đến sáng mùng 1, Bác mới đi chúc tết một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô như: Nhà máy cơ khí Hà Nội, Khu Việt Nam học xá, nhân dân xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, gặp gỡ với cán bộ miền Nam tập kết tại Câu lạc bộ Thống Nhất, thăm Hội quán Hoa kiều ở Phố Hàng Buồm. Người cũng đi thăm một đơn vị quân đội và gửi quà tới anh chị em trường thương binh hỏng mắt.
          Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang thăm Liên Xô nên Người đến dự bữa cơm tất niên 30 tết do cán bộ Việt Nam đang công tác ở Liên Xô tổ chức và dự liên hoan đón giao thừa với các cháu lưu học sinh tại Matxcơva. Bác có thơ chúc tết gửi đồng bào:
“Chúc mừng đồng bào năm mới,
Đoàn kết thi đua tiến tới,
Hoàn thành kế hoạch ba năm,
Thống nhất nước nhà thắng lợi”. [3]
          Tết Nguyên đán Canh Tý 1960, Báo Nhân dân, số 2132, ngày 18-1-1960, đăng bài Mừng tết Nguyên đán như thế nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu lên những việc đáng chê, đáng khen. Cuối bài, Người nhắc nhở: “Các đồng chí cán bộ ta cần phải hướng dẫn đồng bào làm cho Tết Canh Tý thành một Tết vui vẻ và tưng bừng, đồng thời là một Tết tiết kiệm và thắng lợi.
Trăm năm trong cõi người ta,
Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan.
Mừng Xuân, Xuân cả thế gian,
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”. [4]
Đêm giao thừa, Bác đi thăm và chúc tết 5 gia đình ở Hà Nội: Trần Công Tốt - công nhân Nhà máy đèn; Trương Từ Thức - công an chữa cháy; Bùi Xuân Đồng - gia đình công giáo; bác sỹ Đinh Văn Thắng - giáo sư Trường đại học Y Dược; nhà công thương Bùi Hưng Gia. Sáng mùng 1 tết, Bác tiếp Đoàn Việt kiều Thái Lan mới về nước đến thăm và chúc tết Người.
          Tết Nguyên đán Tân Sửu 1961, ngày 30 tết, Bác dự cuộc gặp mặt của Hội đồng Chính phủ nhân dịp cuối năm. Buổi tối, Bác đi thăm và chúc tết một công nhân nhà máy gỗ Cầu Đuống; một cán bộ công đoàn nhà máy cơ khí Hà Nội; một Việt kiều mới về nước; một xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp người Hoa; gia đình bác sỹ Hồ Đắc Di và gia đình giáo sư Tôn Thất Tùng. Đúng giao thừa, qua Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc tết đồng bào cả nước:
“Mừng năm mới, mừng xuân mới,
Mừng Việt Nam, mừng thế giới!
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh,
Kế hoạch 5 năm thêm phấn khởi.
Chúc miền Bắc hăng hái thi đua!
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!
Chúc hòa bình thống nhất thành công!
Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!” [5]
Ngày mùng 1 tết, Bác đi thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ một đơn vị công an nhân dân vũ trang, một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô; cán bộ, công nhân Nhà máy dệt kim Đông Xuân, Nhà máy rượu Hà Nội; Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo và Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà. Người còn đi thăm và chúc tết nhân dân thôn Khuyến Lương, Thanh Trì, Hà Nội.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 1962, chiều 30 tết, Bác dự liên hoan tất niên với con em cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng. Buổi tối, Bác cùng với ông Nguyễn Lam (Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội), Trần Duy Hưng (Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội), Nguyễn Khai (Ủy viên dự khuyết TW Đảng đến câu lạc bộ thiếu nhi vui tết với các cháu. Sau đó, Người đi thăm và chúc tết một số gia đình tiêu biểu; cán bộ miền Nam tập kết; một số gia đình lao động nghèo ở phố Lý Thái tổ. Tiếp đó, Người đến thăm cán bộ, công nhân Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đang chuẩn bị cho chương trình phát thanh đặc biệt đêm giao thừa. Báo Nhân dân, số 2876, ngày 5-2-1962, đăng bài thơ chúc tết của Người: 
“Năm Dần, mừng xuân thế giới,
Cả năm châu phấp phới cờ hồng.
Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,
Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong.
Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới,
Sức triệu người hơn sóng biển Đông.
Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi,
Hòa bình thống nhất quyết thành công”. [6]
Ngày mùng 1 tết, Bác đến thăm và chúc tết tại công trường Nhà máy bê tông đúc sẵn Chèm, Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng, Từ Liêm và một số đơn vị bộ đội ở Hà Nội như: Đại đoàn 109, Trung đoàn Phòng không 220. Buổi chiều, Người đến thăm Phòng trưng bày văn học và dự cuộc ngâm thơ mừng xuân của các cụ phụ lão. Người mừng tuổi các cụ hai câu thơ:
“Tuổi già nhưng chí không già,
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”. [7]
Sáng mùng 2 tết, Bác xuống Hải Phòng thăm và chúc tết các cháu Trường học sinh miền Nam.
          Tết Nguyên đán Quý Mão 1963, Báo Nhân dân, số 3203, ngày 1-1-1963 đăng thiếp chúc mừng năm mới của Người:
“Mừng năm mới,
Cố gắng mới,
Tiến bộ mới,
Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi!” [8]
Giáp tết Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Tiệp Khắc sang thăm tại Sân bay Gia Lâm. Nhân ngày tết cổ truyền của dân tộc, Người bày tỏ vui mừng:
“Xuân này, xuân lại thêm xuân,
Nước non xa, anh em gần, vui thật là vui”! [9]
Sáng 30 tết, Bác mặc bộ đồ gụ nâu, khoác áo mưa vải bạt, đeo kính trắng, cổ quàng khăn, chân đi dép cao su cùng hai cán bộ cảnh vệ thăm chợ Đồng Xuân và hỏi thăm giá các mặt hàng. Buổi chiều, Bác hội đàm với Đoàn Tiệp Khắc. Buổi tối, Bác mời cơm Đoàn đại biểu Tiệp Khắc đang ở thăm nước ta. Sau đó, Người đi thăm và chúc tết một số gia đình ở Hà Nội.
          Tết Nguyên đán Giáp Thìn 1964, Báo Nhân dân, số 3565, ngày 1-1-1964 đăng bài thơ chúc tết của Bác:
“Bắc Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.
Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. [10]
Ngày 30 tết, Bác tiếp Đoàn đại biểu Thiên Đức, sau đó đi chúc tết cán bộ, chiến sỹ Sở Công an Hà Nội. Buổi tối, Người đến thăm Tòa soạn Báo Tân Việt Hoa và chúc tết các chuyên gia Trung Quốc đang họp mặt mừng xuân. Sau đó, Người đến thăm và chúc tết cán bộ, công nhân tại Khu tập thể Cao - Xà - Lá, Khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng và một số gia đình. Sáng mùng 1 tết, Bác đến chúc tết cơ quan huyện ủy Đông Anh, cán bộ công nhân trạm biến thế Lỗ Khê và Hợp tác xã Lỗ Khê có thành tích trong sản xuất và tiết kiệm. Sau đó, Người đến thăm cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Phòng không 260 bảo vệ Thủ đô, cán bộ chiến sĩ Sở Công an Hà Nội.
          Tết Nguyên đán Ất Tỵ 1965, sáng ngày 29 tết, Bác đi thăm và trồng cây với đồng bào Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Sau đó, Người tham gia trồng cây với bà con nông dân Phú Diễn (Từ Liêm). Buổi tối, Người đọc thơ chúc tết để Đài phát thanh ghi âm phát đêm giao thừa:
“Chào mừng Ất Tỵ xuân năm mới,
Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi,
Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi,
Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới,
Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi,
Đấu tranh anh dũng, cả nước một lòng.
Chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi!
Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công”! [11]
Sáng mùng 1 tết, Bác về thăm tỉnh Quảng Ninh. Sau khi nói chuyện với hai vạn đại biểu các dân tộc trong tỉnh tại sân vận động Hòn Gai, Người đến thăm cán bộ, công nhân Uông Bí và mỏ than Vàng Danh. Trên đường đi, Người ghé thăm, chúc tết Đoàn địa chất số 3 và gia đình ông Trần Mộc Sinh - xã viên Hợp tác xã Khe Cát (Hưng Yên).
          Tết Bính Ngọ 1966, ngày 30 tết, Bác tới thăm và chúc tết các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại Hà Nội. Báo Nhân dân, số 4289, ngày 1-1-1966, đăng bài thơ Chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Mừng miền Nam rực rỡ chiến công,
Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng...
Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng,
Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng”.
Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng,
Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng.
Thi đua sản xuất, chiến đấu xung phong,
Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định thắng”. [12]
Sáng sớm mùng 1 tết, Bác đi thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Đại đội 27, bộ đội quân khu III. Sau đó, Bác về thăm một đơn vị bộ đội Phòng không bảo vệ đê Mai Lĩnh. Người đến thăm Trường Kim Đồng và Hợp tác xã nông nghiệp Văn Phú, Hoài Đức, Hà Tây…
          Tết Nguyên đán Đinh Mùi 1967, Báo Nhân dân, số 4651, ngày 1-1-1967 đăng bài thơ chúc tết của Bác:
Xuân về xin có một bài ca,
Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
Tin mừng thắng trận nở như hoa!” [13]
Chiều 30 tết, Bác đến thăm và chúc tết cán bộ, nhân viên trong Phái đoàn thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Người chia quà tết cho các cháu nhỏ và anh chị em trong phái đoàn. Sáng mùng 1 tết, Bác đi thăm và chúc tết các đơn vị bộ đội Phòng không Không quân bảo vệ Thủ đô. Cùng ngày, Người đến thăm và chúc tết cán bộ, nhân dân xã Tam Sơn, Tiên Sơn, Hà Bắc. Sáng mùng 2 tết, Bác về thăm Hợp tác xã Tảo Dương, Thanh Oai, Hà Tây.
          Tết Nguyên đán Mậu thân 1968, Bác không ở trong nước, vì từ ngày 31-12-1967, Bác đã sang Trung Quốc để chữa bệnh, nên Người đón tết ở nước bạn. Đúng giao thừa, Người và đồng chí thư ký mở đài phát thanh nghe thơ chúc tết và đợi tin của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân dân miền Nam:
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” [14]
          Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1969, ngày 30 tết, Bác gửi tặng lẵng hoa cho một số cơ quan, khu phố ở Hà Nội và một số đơn vị vũ trang bảo vệ Thủ đô. Sáng mùng 1 tết, Bác đi thăm binh chủng Phòng không Không quân ở Bạch Mai, sau đó trồng cây ở Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây. Buổi chiều, Người và Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm anh hùng quân giải phóng miền Nam Tạ Thị Kiều. Đây là mùa Xuân thứ 79 của Bác, mặc dù sức khỏe không được tốt, nhưng Người vẫn làm thơ chúc Tết với tinh thần hào sảng, niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, làm rung động trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!” [15]
Đây là cái tết cuối cùng của Bác và cũng là bài thơ chúc tết cuối cùng Bác để lại cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Đã 55 năm Bác đi xa, đã 55 năm cả dân tộc ta vào mỗi dịp tết đến, xuân về không còn được nghe những bài thơ chúc Tết của Bác nhưng dư âm những bài thơ chúc Tết năm nào của Bác mà các câu kết thường là khẳng định niềm tin tất thắng của cách mạng Việt Nam, như: Thống nhất nước nhà thắng lợi”,Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công”, Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định thắng”, “Tin mừng thắng trận nở như hoa”, “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”, và đặc biệt là câu cuối trong bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác năm 1969: “Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn” vẫn còn vang vọng đến hôm nay và có lẽ đến tận mai sau.
Mừng Đảng 94 tuổi, mừng năm mới Giáp Thìn 2024, trong khuôn viên Khu di tích Kim Liên rợp cờ, hoa chào đón nhân dân và du khách muôn phương về với quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên Khu di tích Kim Liên nguyện cố gắng hết sức mình để làm tốt công việc “là người trông nhà và tiếp khách cho Bác” ngay tại ngôi nhà Bác ở năm xưa./.
 
          Chú giải:
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.281
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 10, tr.263
[3, 4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr.1, tr.441
[5, 6, 7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 13, tr.40, tr.335, tr.338
[8, 9, 10, 11]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 14, tr.1, tr.5, tr.224, tr.444
[12, 13, 14, 15]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr.1, tr.257, tr.417, tr.531-532
 
                                                                                                                                                                                                                   Vương Nga

Thông tin tham quan

Liên kết website