NHỮNG THẮNG LỢI TO LỚN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
01/02/2024 4:50:53 CH

(Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5-9-1960. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: đó là Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã xoá bỏ chế độ thực dân, nửa phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tiếp đến là thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đại thắng Mùa Xuân năm 1975 thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, đưa Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…

  1. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
Giữa lúc cách mạng Việt Nam đang lâm vào cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Người đã qua nhiều nơi trên thế giới, vừa lao động, vừa học tập, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng tư sản điển hình để tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Luận cương đã giải đáp trúng những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở. Người viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[1]. Từ đây, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2]. Đó là con đường giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, giai cấp vô sản phải nắm lấy ngọn cờ giải phóng dân tộc, gắn cách mạng dân tộc từng nước với phong trào cách mạng vô sản thế giới.
Trong thời gian từ năm 1921 đến năm 1930, Người ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh Niên ra số đầu tiên ngày 21-6-1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; xuất bản tác phẩm Đường Kách mệnh (1927) làm tài liệu nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước. Người tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ cốt cán, tiếp tục chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng.
Chủ nghĩa Mác - Lênin và các tài liệu tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc được giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đón nhận “như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”[3]. Nó lôi cuốn những người yêu nước Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản; làm dấy lên cao trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi khắp cả nước, trong đó giai cấp công nhân ngày càng trở thành một lực lượng chính trị độc lập. Sự truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào quần chúng và phong trào công nhân, làm cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có tổ chức đảng lãnh đạo. Vì vậy, các tổ chức cộng sản lần lượt được thành lập: Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (8-1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (12-1929). Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản ra đời, hoạt động biệt lập, có nguy cơ chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng đặt ra là cần có một đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.
Trước tình hình đó, từ ngày 6-l đến ngày 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng, là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; Đó là một mốc lớn, bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước.
Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 3-2 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và khẳng định vai trò của Đảng:
          “ … Đảng ta vĩ đại như biển rộng núi cao,
          Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.
          Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
          Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no.
          Công ơn Đảng thật là to,
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”[4].
2. Đảng lãnh đạo và tổ chức các cuộc đấu tranh cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945
Vừa mới ra đời, Đảng đã phát động một phong trào cách mạng rộng lớn mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Phong trào này đã khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng và sức mạnh của khối liên minh công nông. Quốc tế Cộng sản đánh giá cao đóng góp của phong trào cách mạng Việt Nam đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, công nhận Đảng ta là một phân bộ trực thuộc Quốc tế Cộng sản.
Sau cuộc đấu tranh đầy gian khổ và tổn thất để bảo vệ Đảng, duy trì tổ chức quần chúng cách mạng, đến năm 1936, khi tình hình trong nước và thế giới có sự biến chuyển mới, Đảng đã chủ trương tạm gác khẩu hiệu độc lập dân tộc và người cày có ruộng, chuyển hướng đấu tranh sang đòi dân sinh dân chủ, với các hình thức đấu tranh và tổ chức thích hợp, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giành chính quyền. Phong trào đấu tranh những năm 1936-1939 đã làm cho ảnh hư­ởng của Đảng ăn sâu, lan rộng trong quảng đại quần chúng. Đảng đã biết kết hợp các hình thức đấu tranh công khai hợp pháp với các hình thức bán hợp pháp, bí mật trong cuộc đấu tranh ở một nước thuộc địa. Qua phong trào, sự giác ngộ chính trị của quần chúng được nâng cao.
Từ năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng ta đã có những nhận định sáng suốt về tình hình thế giới và xu hướng phát triển của cách mạng Đông Dương, xác định giải phóng dân tộc, đánh đuổi phát xít Pháp, Nhật, giành độc lập, tự do là yêu cầu sống còn của dân tộc Việt Nam. Từ đó, Đảng chủ trương chuẩn bị các điều kiện để tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân. Tháng 5-1941, Hồ Chí Minh trực tiếp triệu tập Hội nghị Trung ương VIII, nhằm chuẩn bị mọi mặt về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng các đoàn thể cứu quốc và thành lập "Mặt trận Việt Minh". Hội nghị phân tích tình hình và chỉ rõ: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[5]. Như vậy, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy quy luật vận động cách mạng, dự báo thời cơ cách mạng, nhanh chóng triển khai thực hiện để thúc đẩy tiến trình cách mạng.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo trong cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm 1939-1945 và nắm bắt thời cơ lịch sử một cách chuẩn xác và kịp thời khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Đảng đã phát động, tổ chức thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử vĩ đại đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với thắng lợi này, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp và hàng trăm năm chế độ phong kiến, đưa lại độc lập, thống nhất cho đất nước ta; đưa nhân dân ta từ địa vị nô lệ thành người làm chủ xã hội; lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đưa Đảng ta từ hoạt động bất hợp pháp thành đảng cầm quyền trong toàn quốc; khẳng định trong thực tiễn tư tưởng cách mạng dân tộc và khởi nghĩa toàn dân của Hồ Chí Minh và đường lối cứu nước giải phóng dân tộc của Đảng vạch ra là đúng đắn.
Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[6].
3. Đảng lãnh đạo và tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954
Sau cách mạng Tháng Tám, vận mệnh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như “ngàn cân treo sợi tóc”, phải đối mặt với ba thứ giặc: “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trước tình hình đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đề ra những chủ trương và quyết sách đúng đắn, toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đối với các thế lực thù địch, chúng ta đã thực hiện sách lược mềm dẻo, lợi dụng mâu thuẫn, phân hoá chúng, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị kháng chiến. Với đường lối chính trị sáng suốt, vừa cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, Đảng ta đã động viên được sức mạnh đoàn kết toàn dân, triệu người như một, vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm để củng cố, giữ vững chính quyền, đưa cách mạng vượt qua tình thế hiểm nghèo, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.
Do thực dân Pháp bội ước, gây chiến tranh xâm lược ra cả nước, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" [7]. Đảng phát động chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chínhTrải qua những khó khăn ban đầu, đến cuối năm 1950, sau chiến dịch Biên Giới thắng lợi, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Từ năm 1951, theo đường lối của Đại hội Đảng lần thứ hai, cuộc kháng chiến của quân dân Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Đặc biệt, với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân ta đã buộc thực dân Pháp phải đi tới đàm phán và kí kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã làm sụp đổ hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam; bảo vệ được độc lập, chủ quyền dân tộc, giữ vững được chính quyền dân chủ nhân dân; giải phóng được một nửa đất nước là miền Bắc, tạo điều kiện đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, trở thành căn cứ địa, hậu phương của cả nước để giải phóng miền Nam trong giai đoạn sau; tăng thêm sức mạnh vật chất, tinh thần cho cách mạng Việt Nam; nâng cao uy tín cho dân tộc và cho Đảng trên trường quốc tế; để lại nhiều kinh nghiệm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau đó....
Đánh giá ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lần đầu tiên trong lịch sử một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới [8].
4. Đảng lãnh đạo và tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược với đỉnh cao là đại thắng Mùa Xuân năm 1975
Với âm mưu bá chủ thế giới, từ tháng 7/1954, đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp xâm lược Việt Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta vì độc lập, thống nhất trở nên hết sức gay go, phức tạp. Chủ trương chiến lược của cách mạng Việt Nam được Đảng đề ra trong giai đoạn mới là đường lối tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm thực hiện mục tiêu chung trước mắt của cả nước là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Theo đường lối sáng suốt của Đảng, nhân dân miền Bắc đã hăng hái phấn đấu xây dựng hậu phương xã hội chủ nghĩa và giành được những thành tựu hết sức quan trọng. Đến năm 1965, miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước, hậu phương có tiềm lực kinh tế quốc phòng to lớn cho miền Nam. Được sự chi viện của miền Bắc, với truyền thống Thành đồng Tổ quốc, quân dân ta ở miền Nam đã anh dũng đấu tranh. Cuộc nổi dậy và “Đồng Khởi” (1959 - 1960) theo Nghị quyết lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giành quyền làm chủ ở các vùng nông thôn, rừng núi, đưa cách mạng chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Tiếp đó đã đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961 - 1965), đưa cuộc chiến đấu tiến lên mạnh mẽ, làm lung lay tận gốc rễ chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai.
Từ năm 1965, do đế quốc Mỹ gây chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đánh phá ra miền Bắc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên phạm vi toàn quốc và đề ra đường lối cho cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới, giai đoạn cả nước có chiến tranh. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”[9], quân dân miền Bắc đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương, đồng thời ra sức sản xuất, công tác tạo nên tiềm lực to lớn chi viện miền Nam với tất cả khả năng của mình. Quân dân miền Nam đã tỏ rõ ý chí kiên cường giành được thắng lợi trong các mùa khô 1965- 1966, 1966-1967 và nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) làm cho cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ bị thất bại, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở hội nghị Paris. Trong những năm 1969-1975, quân dân miền Nam đã liên tiếp đánh bại các thủ đoạn của chiến tranh “Việt Nam hoá” của đế quốc Mĩ, đã “đánh cho Mĩ cút” và tiến tới “đánh cho nguỵ nhào”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đánh giá thắng lợi lịch sử của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Đảng (12-1976) đã ghi rõ: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chng Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng người về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc" [10].
5. Đảng lãnh đạo bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa
Sau khi Việt Nam thống nhất, các thế lực thù địch đã câu kết với nhau nhằm phá hoại sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam, ngày 22/12/1978, tập đoàn “Khơ me đỏ” ở Campuchia do Pôn Pốt cầm đầu đã tiến đánh Tây Ninh, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới Tây Nam. Sau 25 ngày đêm tiến hành tổng phản công (từ 23-12-1978 đến 17-1-1979), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đánh đuổi quân Pôn Pốt ra khỏi lãnh thổ; đồng thời, đáp ứng đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng của bạn giải phóng Phnôm Pênh (7-1-1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17-1-1979), đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari.
Ở Miền Bắc, sáng ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc mở cuộc tiến công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc đã đứng lên chiến đấu anh dũng. Đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc đã rút khỏi nước ta.
Bên cạnh thắng lợi của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cùng các cuộc đấu tranh chống các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chủ quyền biển đảo… trong suốt thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 6. Thắng lợi của công cuộc Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng (1986-nay)
Sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, cả nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh có những thuận lợi to lớn, song cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Đường lối Đổi mới được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản, có tính quyết định trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn:  Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế ra khỏi khủng hoảng và có sự tăng trưởng khá nhanh. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh; đời sống nhân dân được nâng cao; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng và an ninh được giữ vững… Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới; là thành viên của gần 70 tổ chức quốc tế; tranh thủ được nguồn lực để phát triển đất nước, đồng thời cũng tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước… Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm cỡ khu vực và toàn cầu như APEC 2017, WEF ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021…
Có được những thành tựu trên đây là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện.
Tóm lại, những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử vĩ đại, có tầm vóc quốc tế mà nhân dân ta đã giành được trong 94 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là những trang sử chói lọi, những dấu son không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Qua đó, khẳng định công lao to lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.
Chú giải:
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011,tập.12, tr.562.
[2]. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập12, tr.30.
[3]. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 11, tr.173.
[4]. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 12, tr.403-404.
[5]. Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập.7, tr.113.
[6]. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 7, tr.25.
[7]. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 4, Tr.534.
[8]. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 12, Tr.410.
[9]. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 15, Tr.131.
[10]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội,1977, tr.5-6.
 
                                                                                                                                                                                                              Vương Nga

Thông tin tham quan

Liên kết website