SỰ RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY CÔNG TÁC XÃ HỘI VIỆT NAM 25/03
20/03/2024 4:11:12 CH
Chắc nhiều bạn đọc sẽ thấy lạ với cụm từ nghề “công tác xã hội”, nhân kỷ niệm “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” lần thứ 8 năm 2024, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sự ra đời và ý nghĩa của CÔNG TÁC XÃ HỘI VIỆT NAM.

Chỉ tính riêng năm 2023, Khu di tích Kim Liên đã làm cầu nối
để các nhà hảo tâm hỗ trợ trao tặng 27 căn nhà đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Công tác xã hội là một hoạt động chuyên nghiệp, được đào tạo chuyên môn và là một ngành nghề được xã hội công nhận. Công tác xã hội giúp cho người dân nâng cao năng lực, khả năng ứng phó và kỹ năng giải quyết khó khăn, kết nối để người dân được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, mang đến sự phát triển đồng bộ và hài hòa giữa con người và xã hội, góp phần ngăn ngừa các vấn nạn xã hội, từ đó hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng và dân chủ toàn diện.
Sau khi thống nhất đất nước, sự phát triển kinh tế làm xuất hiện trong xã hội thành phần người giàu và người nghèo rõ rệt, người nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn với điều kiện cơ sở hạ tầng còn thấp kém. Ngoài ra, còn những vấn đề sức khỏe, bệnh tật do di chứng chiến tranh, các vấn nạn: nghiện rượu, ma túy, nạn bạo hành trong gia đình, thất nghiệp, lạm dụng trẻ em, sức khỏe tâm thần, người cao tuổi cô đơn…..từ đó, nhu cầu xã hội đòi hỏi sự can thiệp và trợ giúp từ đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.
Năm 2004, Bộ Giáo dục đào tạo đã phê duyệt chương trình giảng dạy công tác xã hội bậc cử nhân. Năm 2005, Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu cấp quốc gia về nhu cầu nhân sự và đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam. Năm 2009, nghiên cứu về cơ cấu dịch vụ công tác xã hội đã được thực hiện, kết quả của nghiên cứu này đã được sử dụng để làm cơ sở xây dựng khung Đề án cho Phát triển Công tác Xã hội (2009).
Từ thực trạng trên, đặt mục tiêu phát triển công tác xã hội thành một nghề ở Việt Nam, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu: “Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”. Từ đó, công tác xã hội đã chính thức được coi là một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã ngạch viên chức. 
Với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp của người làm công tác xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam.
Đây cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá  tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đồng thời góp phần phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội để cùng nhau hướng tới một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
 

Khu di tích Kim Liên còn dành sự quan tâm, chia sẻ đối với các gia đình nghèo nhà ở còn tạm bợ
 
Tại Khu di tích Kim Liên, tuy không có phòng chuyên môn về công tác xã hội, nhưng công tác xã hội ở đây được tập thể lãnh đạo và viên chức, người lao động đặc biệt quan tâm. Đó là sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa viên chức, người lao động với gia đình của VC, NLĐ trong cơ quan. Khi một người gặp khó khăn sẽ nhận được sự quan tâm, chia sẻ của mọi người về cả tinh thần và vật chất. Mỗi dịp tết đến xuân về cơ quan luôn có những món quà chúc tết và động viên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ đối với gia đình viên chức, người lao động trong cơ quan, Khu di tích Kim Liên còn dành sự quan tâm, chia sẻ đối với các em học sinh nghèo vượt khó, các gia đình nghèo nhà ở còn tạm bợ. Chỉ tính riêng năm 2023, Khu di tích Kim Liên đã làm cầu nối để các nhà hảo tâm hỗ trợ trao tặng 27 căn nhà đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, tổng số tiền một tỷ ba trăm năm mươi triệu đồng; trong dịp tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Khu di tích Kim Liên đã trao tặng 116 suất quà, trị giá 66,2 triệu đồng cho các đối tượng là học sinh nghèo vượt khó, người nghèo xã Kim Liên, Nam Giang, hội bảo trợ trẻ em tàn tật huyện Nam Đàn…
Những việc làm trên tuy chưa phải lớn lao, nhưng đã góp phần đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình viên chức, người lao động trong cơ quan cũng như trên địa bàn tỉnh Nghệ An, góp phần tuyên truyền và lan toả tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Yêu thương con người, sống có nghĩa có tình”.
Lê Bích Thuỷ

Thông tin tham quan

Liên kết website