SƯU TẬP MỘT SỐ BỨC THƯ, ĐIỆN BÁC HỒ GỬI CÁN BỘ VÀ NHÂN DÂN NGHỆ AN
14/12/2023 5:12:50 CH

         Ảnh: Sưu tập một số thư, điện Bác Hồ gửi cho cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, đăng báo Nghệ An. Nguồn: Khu Di tích Kim Liên.

         Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, hơn 50 năm xa quê hương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có 2 lần về thăm quê. Toàn bộ tâm trí, sức lực và cả cuộc đời cao đẹp của Người đã hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Dẫu ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nào quê hương Nam Đàn, quê hương Nghệ An luôn tha thiết, canh cánh và đau đáu trong tim Bác. Điều này được thể hiện qua hàng chục bức thư, bức điện Người gửi về quê.
          Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1930 đến trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Bác Hồ có 9 bài báo, 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện, 2 lần về thăm, 1 lời đề tựa nói đến quê hương Nghệ An hoặc trực tiếp trò chuyện thân tình với nhân dân, cán bộ Nghệ An. Trong số đó, Bác dành cho quê hương Nam Đàn, quê hương Kim Liên 5 bức thư, 1 bức điện, 1 bài nói chuyện, 1 bài báo. Sau đây là sưu tập một số bức thư, điện Bác Hồ gửi cho cán bộ và nhân dân Nghệ An, đăng báo Nghệ An đang được lưu giữ tại Kho cơ sở Khu Di tích Kim Liên.
          Trong hoàn cảnh cả nước đang dốc sức chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc vẫn luôn dõi theo tin tức, tình hình tỉnh nhà. Khi hay tin cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An đã chiến đấu dũng cảm liên tục chống những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta, đã bắn chìm một tàu biệt kích Mỹ ngày 1-2-1965 và trong những ngày 7,8,11-2-1965 đã bắn rơi 22 máy bay Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống một tên Thiếu tá phi công Mỹ, ngày 14/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen và gửi lời thăm hỏi tất cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ, cán bộ và đồng bào các vùng bị giặc bắn phá đã đoàn kết chiến đấu tốt. Bác nhắc nhở: “Đế quốc Mỹ và tay sai còn nhiều âm mưu hung ác. Quân và dân ta phải tăng cường đoàn kết, nâng cao cảnh giác, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, giặc đến là đánh, đánh là phải thắng”. Dưới thư Bác Chào thân ái và quyết thắng, ký tên Bác Hồ (Báo Nghệ An, ngày 15-2-1965).
        Trong giai đoạn đế quốc Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc bộ” (05/8/1964) vu khống tàu ta tấn công tàu Mỹ ở ngoài vùng biển nước ta, để tiến hành cuộc chiến tranh chống phá miền Bắc lần thứ nhất bằng không quân và hải quân, nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế - quốc phòng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam, uy hiếp tinh thần làm lung lay quyết tâm chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam ở 2 miền Nam Bắc, quân và dân Nghệ An đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Ngày 12-8-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho bộ đội, đồng bào và cán bộ Nghệ An. Bác khen ngợi và khích lệ: “Bộ độ, cán bộ và đồng bào Nghệ An hãy phát huy thắng lợi, nêu cao truyền thống anh hùng của quân và dân ta, đoàn kết chặt chẽ, luôn luôn cảnh giác, thi đua chiến đấu giỏi, quyết giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”(Báo Nghệ An, ngày 13-8-1965).
         Ngày 14-10-1966, quân và dân Nghệ An bắn rơi chiếc máy bay 1.500 của giặc Mỹ. Ngày 19-10-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen toàn thể bộ đội, đồng bào và cán bộ. Người động viên:“Quân và dân ta hãy đoàn kết chặt chẽ , nâng cao cảnh giác, vượt mọi khó khăn. Hãy phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng, ra sức thi đua, chiến đấu và sản xuất, kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa, đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”(Báo Nghệ An, ngày 23-10-1966).
          Khi nhận được tin quân và dân tỉnh nhà đã bắn rơi chiếc máy bay giặc Mỹ thứ 400, ngày 22-7-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta đã chiến đấu dũng cảm, chiến thắng vẻ vang cùng với quân và dân cả nước đập tan mọi thủ đoạn chiến tranh tàn bạo của giặc Mỹ. Bác nhắc nhở: “Đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An hãy nêu cao truyền thống anh dũng của Xô Viết Nghệ - Tĩnh, phát huy thắng lợi, đoàn kết chặt chẽ, luôn luôn cảnh giác, thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, làm thật tốt công tác giao thông vận tải và phòng không nhân dân, giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”(Báo Nghệ An, ngày 23-7-1968).
          Trong giai đoạn đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân bắn phá miền Bắc để cắt đường tiếp tế của hậu phương cho chiến trường miền Nam, chúng đã tàn phá nhiều thành phố, làng quê; ngày 21 tháng 7 năm 1968, máy bay Mỹ bắn phá xã Đoài, tỉnh Nghệ An, làm 2 giám mục, 3 linh mục bị thương; một số tu sĩ, đồng bào giáo và lương bị thương và tử vong, nhà thờ bị hư hỏng, hàng trăm nhà dân bị tàn phá. Biết tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện thăm hỏi, động viên nhân dân xã Đoài. Trong điện Bác kêu gọi: “Đồng bào lương và giáo hãy đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau”(Báo Nghệ An, ngày 16-8-1968). Việt Nam là đất có 54 dân tộc anh em, có nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, vì vậy trong quá trình lãnh đạo đất nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng khối đoàn kết chặt chẽ giữa các tôn giáo, các dân tộc trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
          Đầu năm 1969, khi sức khoẻ của Bác giảm sút, mặc dầu rất bận việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành cho quân và dân tỉnh nhà những tình cảm sâu nặng. Bác theo dõi sát sao mọi hoạt động của quê hương, đặc biệt Bác rất quan tâm đến các nữ đội viên Thanh niên xung phong. Khi phát hiện đại đội Thanh niên xung phong số 333 (phần lớn là gái) xông pha, dũng cảm suốt mấy tháng trời ở trọng điểm cầu Cấm, Nghệ An - một trọng điểm bị máy bay Mỹ và pháo tầm xa ngoài biển đánh phá suốt ngày đêm, ngày 27-1-1969, Bác đã gửi thư khen. Trong thư Bác viết: “Suốt 4 năm nay, Đội thanh niên xung phong số 333 nhận nhiệm vụ làm đường, sửa cầu ở một nơi địch thường đánh phá ác liệt, có nhiều khó khăn gian khổ… Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng… Giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố, chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình,tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước…” (Báo Nghệ An, ngày 21-2-1969). Đây là một niềm tự hào không chỉ của đơn vị 333, mà đó còn như là lời động viên, quan tâm của Bác với toàn bộ lực lượng Thanh niên xung phong trên khắp cả nước. Lá thư của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của đơn vị 333, là động lực để lực lượng thanh niên xung phong yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
          Giữa năm 1969, tiên lượng được sức khỏe của mình, cùng với di chúc để lại cho đất nước, ngày 21-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An. Báccăn dặn cán bộ, đảng viên cần đề cao chữ dân, luôn lấy dân làm gốc, “tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa”,… “hết sức chăm lo đời sống nhân dân”, khuyến khích nhân dân tham gia xây dựng Đảng, góp ý kiến về việc chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, để mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng thêm gắn bó máu thịt. Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải không ngừng “nâng cao đạo đức cách mạng, đổi mới phong cách và phương pháp công tác, “cố gắng sát dân”… “thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm”. Bác chỉ ra tiềm năng to lớn của đất và người Nghệ An, mong tỉnh nhà “làm ra nhiều lương thực, thực phẩm để nâng cao đời sống nhân dân và đáp ứng yêu cầu cuả Nhà nước, phải đẩy mạnh chăn nuôi và trồng các loại cây công nghiệp để có nguyên liệu cho công nghiệp và hàng hóa xuất khẩu”. Bác lưu ý “có kế hoạch trồng cây và bảo vệ rừng, nhanh chóng khôi phục và phát triển nghề đánh cá, phát triển nghề muối”…Bác nêu mong muốn:“Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Bác mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”(Báo Nghệ An, ngày 19-8-1969). Đây là bức thư cuối cùng của Bác gửi cho cán bộ và nhân dân tỉnh nhà và được xem là di chúc Bác dành riêng cho quê hương Nghệ An trước lúc đi xa.
            “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Trong cái tình riêng Bác dành cho quê hương, cao hơn hết chính là trách nhiệm của một vị lãnh tụ đối với đất nước. Kỳ vọng quê hương phát triển, lớn mạnh và trở thành tỉnh khá không chỉ vì quê hương của Người mà còn vì sự hưng thịnh của đất nước. Hơn 50 năm Bác Hồ đi xa cũng là hơn 50 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện bản Di chúc bất hủ của Bác. Với mỗi cán bộ, đảng viên và người dân ở huyện Nam Đàn quê Bác nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, những bức thư, bức điện, bài báo, bài nói chuyện của Người là những lời di huấn xúc động, thiêng liêng, luôn mang tính thời sự và trường tồn với thời gian. Với niềm thành kính sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả trách nhiệm của một vùng đất cách mạng đối với Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vẫn đang nỗ lực thực hiện di huấn thiêng liêng của Người để xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. Tỉnh Nghệ An đã và đang thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế xây dựng khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp ở Bắc Vinh - Nam Cấm, Hoàng Mai - Đông Hồi, Việt Nam - Singapore (VSIP)…Hạ tầng được xây mới, nâng cấp: Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Thị xã Hoàng Mai; Sân bay quốc tế Vinh; Cảng biển nước sâu quốc tế Cửa Lò -The visai; Đường cao tốc quốc tế Hà Nội - Viêng Chăn (đi qua cửa khẩu Thanh Thủy) - Nghệ An, Khu du lịch văn hóa thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Thác 9 tầng ở Khu mộ bà Hoàng Thị Loan đang được triển khai xây dựng…). Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội có bước chuyển rõ rệt. Giáo dục và Đào tạo luôn đứng ở tốp đầu cả nước. Y tế phát triển mạnh mẽ và đồng đều ở các tuyến. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên…Nghệ An đang vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ, sớm trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc và cả nước như Bác Hồ hằng mong muốn./.
 
 
 
Vương Nga
Tài liệu tham khảo

1. Tài liệu lưu tại Khu Di tích kim Liên
2. Báo Điện tử Phú Thọ, ngày 15 tháng 7 năm 2011
3. Trang tin Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An, ngày 8 tháng 5 năm 2019
4. Báo tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 14 tháng 6 năm 2014
5. Báo Quân Khu 7, ngày 10 tháng 8 năm 2003


 

Thông tin tham quan

Liên kết website