TỪ HOÀI BÃO TUỔI TRẺ NGUYỄN TẤT THÀNH SUY NGHĨ ĐẾN LÝ TƯỞNG CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM NGÀY NAY
18/03/2024 4:40:34 CH

Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Tréville) - nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

 
      Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có ước mơ, hoài bão của riêng mình. Đặc biệt, đối với tuổi trẻ, điều đó lại càng sôi sục và mạnh mẽ. Ước mơ, hoài bão về những điều tốt đẹp và cố gắng đạt được mục đích đó không chỉ làm hoàn thiện bản thân con người mà còn làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Đối với tuổi trẻ của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, khát vọng và hoài bão cứu nước của Người đã làm thay đổi số phận của một dân tộc, đưa lại độc lập, thống nhất cho đất nước ta, đưa nhân dân Việt Nam từ địa vị nô lệ thành người làm chủ xã hội.
      Cả cuộc đời của Người từ buổi thiếu niên cho đến lúc về với thế giới người hiền là tấm gương sáng cho muôn đời sau học tập, làm theo. Khi còn là một thanh niên, Người từng nói rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền” [1]. Khẩu hiệu: “Sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã trở thành lẽ sống của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
 
Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô, năm 1923. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

       Tháng 12-1923, khi trả lời nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam, Nguyễn Ái Quốc bày tỏ: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy…. Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài” [2], để xem nước ngoài làm ra sao và “trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi” [3]. Đây là khát vọng, là ước mơ, là hoài bão của Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, nhân dân sống cuộc đời lầm than, khổ cực dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Mục đích của Người là giành lại độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân, tìm lại hình ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới. Và cũng chỉ vì mục đích duy nhất đó, 21 tuổi, Người đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng cùng một ý chí, nghị lực và một tấm lòng thiết tha với dân, với nước.
        Tiếng gọi của Tổ quốc chính là sức mạnh giúp Người vượt qua bao gian lao, thử thách, như Người từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó” [4]. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Người đã trở về Tổ quốc lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.
         Tuổi trẻ Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sống cho lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp bước theo Người. Đó là thế hệ thanh niên như Lý Tự Trọng: “Là đoàn viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản đã oanh liệt đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng” [5]. Võ Thị Sáu - Người con gái đất đỏ, trên đường ra pháp trường xử bắn, vẫn ung dung, ngẩng cao đầu, cất lên bài hát Quốc tế ca. Nguyễn Văn Trỗi - khi bị đưa ra pháp trường xử bắn, vẫn hiên ngang vạch tội quân bán nước và cướp nước và hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Việt Nam muôn năm!”. Anh hùng Nguyễn Viết Xuân với hiệu lệnh: “Nhằm thẳng quân thù, bắn”; Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Công an nhân dân Bùi Thị Cúc - người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”… Bên cạnh đó, là bao tên tuổi các anh, các chị khác mà chúng ta không thể kể hết. Họ đã hy sinh thầm lặng như chính công việc của họ; là bao bác sỹ Đặng Thùy Trâm không quản ngại khó khăn để chăm sóc cho thương, bệnh binh và đồng bào vùng kháng chiến với một tâm hồn lạc quan, yêu đời; bao sinh viên Nguyễn Văn Thạc đã cống hiến tài năng và tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc, để lại cho đời mãi mãi tuổi 20. Họ là lớp thanh niên Hồ Chí Minh tiếp nối thời đại của Người, với mục đích sống cao đẹp nhất, họ chết để Tổ quốc sống mãi. Cái chết của họ làm nảy mầm sự sống, làm hồi sinh, thức tỉnh lớp thanh niên Việt Nam trong thời đại mới.
         Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp 4.0, 5.0 - thời đại của khoa học, công nghệ và những con người mới. Trong đó, có thế hệ thanh niên Việt Nam - thế hệ mang đặc trưng của thời đại: nhanh nhạy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Vậy Thanh niên Việt Nam ngày nay sống có lý tưởng không? Chúng ta có thể tự hào khi trả lời rằng: Thanh niên hôm nay vẫn sống có lý tưởng, có ước mơ và đầy nhiệt huyết. Lý tưởng của thanh niên chính là mục đích của Đảng, Nhà nước ta: làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; là xây dựng nước Việt Nam phát triển và hội nhập kinh tế thế giới, ổn định về chính trị, với phương châm phát triển bền vững, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập mà không hòa tan, làm cho Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, thu hút bạn bè quốc tế.

        Thanh niên hôm nay, họ là những ai? Đó là những thanh niên vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng, từ đồng vốn ít ỏi để trở thành những tài năng kinh doanh trẻ như anh Trần Đình Kỹ (sinh năm 1990) ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh khởi nghiệp từ cây ngải cứu giúp anh Kỹ thu về hàng tỷ đồng mỗi năm; chàng trai Trần Mạnh Thịnh có quá trình khởi sự kinh doanh khi xây dựng được chuỗi siêu thị hải sản sạch đầu tiên tại Quảng Bình…. Những học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học tập, đoạt những giải thưởng lớn về Toán, Vật Lý, Tin học, Hóa học… của thế giới, như: Phạm Việt Hưng và Nguyễn An Thịnh đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 2023; Đinh cao Sơn, Nguyễn Kim Giang, Nguyễn Mạnh Khôi đoạt huy chương vàng Olympic hóa học quốc tế năm 2023; chàng trai vàng Olympic Tin học quốc tế Trần Xuân Bách;… Những người trẻ đầy sáng tạo trong ngành công nghệ thông tin và những ngành công nghệ mới, tạo nên những con rô bốt cao cấp với các đặc điểm giống con người như chuyên gia về trí tuệ nhân tạo Nguyễn Thành Nam. Những danh hiệu cao nhất, những huy chương vàng, bạc cao nhất trong thể thao đều thuộc về tuổi trẻ Việt Nam, như: kỳ thủ cờ vua Lê Quang Liêm; kình ngư Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Thúy Hiền… Không dừng lại ở đó, tiếng đàn piano của Võ Quang Minh còn vang mãi trong lòng bạn bè thế giới. Người phụ nữ khuyết tật truyền cảm hứng Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội đồng sáng tạo Trung tâm Nghị lực sống đã làm cho cả thế giới ngưỡng mộ. Trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước đều có bàn tay và khối óc của lực lượng thanh niên. Đặc biệt, những thành quả, những cố gắng trong học tập và lao động của thanh niên Việt Nam đều được thế giới công nhận và tôn vinh. Đó là những minh chứng hùng hồn cho lý tưởng, khát vọng của thanh niên Việt Nam hiện nay dưới sự dìu dắt của Đảng. Đây chính là những việc làm noi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
         Chúng tôi rất may mắn vì được làm việc tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An (quê hương của Bác Hồ kính yêu) – nơi có chức năng nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền về truyền thống quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những tài liệu, hiện vật và di tích về Người tại quê hương và hai lần Bác về thăm quê. Tại đây, chúng tôi được Ban lãnh đạo cơ quan tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội để học tập, nghiên cứu tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Chúng tôi càng thấy được Bác đã quan tâm, chăm lo và kỳ vọng vào thanh niên như thế nào. Trong Thư gửi các bạn thanh niên, ngày 17 tháng 8 năm 1947, Người nói: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” [6]. Người cũng chỉ ra rằng: “Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó” [7]. Như vậy, càng hiểu về Bác bao nhiêu, chúng tôi càng thấy được niềm vinh dự, tự hào cũng như trách nhiệm của mình bấy nhiêu. Học tập lý tưởng của Bác, với chúng tôi - những thanh niên Khu di tích Kim Liên trước hết là làm tốt công việc chuyên môn của mình, thực hiện đón tiếp khách tham quan, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lý tưởng của thanh niên cơ quan chúng tôi là lý tưởng chung của thanh niên Việt Nam: ý thức được vai trò của mình, ra sức làm việc, nghiên cứu, học tập để không thể thua kém bạn bè thế giới, xứng đáng với niềm mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” [8].
         Như vậy, từ hoài bão và tuổi trẻ của thời thanh niên Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh đến lý tưởng, mục đích sống của thanh niên hôm nay là sự tiếp nối không ngừng. Lớp lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh càng ngày càng trưởng thành và chắc chắn rằng với sự cố gắng, phấn đấu không ngừng, họ sẽ mang đến những mùa xuân tươi đẹp cho đất nước bởi chính họ là mùa xuân của xã hội như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” [9]./.
 
Chú giải
[1, 2, 3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.284,     tr.461, tr.467
[4, 9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.272, tr.194
[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.76
[6, 7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.216
[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.613
 
 
                                                                                                             Vương Nga
 

Thông tin tham quan

Liên kết website