VƯỜN CÂY ƠN BÁC ĐỜI ĐỜI
19/02/2024 9:52:08 SA

Sinh thời, trong nhiều bài viết, bài nói, câu chuyện, Bác Hồ thường căn dặn chúng ta:

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Hay: “Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”
Với Bác Hồ, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên đã trải qua bao thế hệ. Vì thế, dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn luôn quan tâm dặn dò nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trồng cây đề về bảo vệ môi trường. Bác đưa ra những dẫn chứng, ích lợi của việc trồng cây: vừa có tính kinh tế, an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Cách đây 65 năm, mùa Xuân Kỷ Hợi 1959, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây với tư tưởng là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái làm cho "phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp". Người cũng nêu gương trong việc trồng và chăm sóc cây. Còn nhớ, sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì. Cho đến tận ngày Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn không quên nhắc đến việc trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. Từ đó, “Tết trồng cây” thực sự trở thành truyền thống, ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Học tập và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó đến nay trong các chuyến đi công tác hay vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các đại biểu quốc tế, các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể và nhân dân đã về Khu di tích Kim Liên trồng cây lưu niệm tưởng nhớ, tri ân sâu sắc công ơn của Bác Hồ đồng thời góp phần làm cho di tích thêm xanh, sạch, đẹp. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (gọi tắt Khu di tích Kim Liên) là một trong những di tích đặc biệt quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam, là nơi lưu giữ những di tích, di vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu và chứng kiến hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê. Nơi đây đã có hàng ngàn cây xanh từ khắp mọi miền được đem đến trồng tạo nên không gian xanh mát, yên bình. Ngoài khu vực làng Sen quê nội, Hoàng Trù quê ngoại, khu mộ bà Hoàng Thị Loan, đặc biệt ở Khu trưng bày, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên đã có quy hoạch khu công viên cây xanh.  Khu trưng bày, Nhà tưởng niệm được xây dựng từ năm 1970, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đây là Bảo tàng đầu tiên trong cả nước trưng bày về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị phê duyệt nội dung và giao cho đồng chí Trường Chinh lúc bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác tư tưởng của Đảng phụ trách. Hiện nay vườn cây tại Khu vực Nhà trưng bày, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đa dạng phong phú với nhiều loài cây do các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trồng tặng.
Mỗi loại cây, loài hoa ở đây với một vẻ đẹp riêng, hương thơm và ý nghĩa riêng, mang đặc trưng của từng vùng miền, thể hiện sự biết ơn vô hạn, vĩnh cửu muôn đời của đồng bào, đồng chí cả nước và du khách quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Người không chỉ dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc, xây dựng nền hòa bình, tiến bộ, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Cây vươn mình tỏa bóng mát để đón chào khách tham quan về thăm quê hương Người. Đến với Khu di tích Kim Liên trong bầu không khí trong lành, dịu nhẹ, du khách sẽ cảm thấy thư thái, dễ chịu, xua tan đi những bộn bề của cuộc sống. Vườn cây xanh nơi đây không chỉ hội tụ trái tim, tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế mà còn gắn với những giá trị lịch sử, văn hóa và ngoại giao. Các loại cây bóng mát có hoa như điệp vàng, bồ đề, lộc vừng, phượng vĩ, hoa ban tím nên thơ…xen lẫn với các loại cây ăn quả, những khóm tre xanh, tre ngà. Các loại hoa thân mềm, cây cảnh nổi bật trên thảm cỏ xanh mướt. Tất cả tạo nên màu sắc tươi mát, sự gần gũi, thân thiết, thanh cao như chính con người, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Khu di tích Kim Liên được ôm ấp, bao bọc xung quanh bởi một vườn cây xum xuê tán lá, tỏa hương thơm ngát, đến mùa quả sai trĩu cành, nằm hài hòa giữa môi trường với vẻ đẹp tự nhiên bình dị, mộc mạc và thuần khiết như bao làng quê Việt hiện lên như một bức tranh nên thơ, hữu tình, thể hiện bản sắc văn hóa và lối sống của con người Việt Nam, hồn quê, cốt cách Việt Nam. Vườn cây ăn quả với các loại thuộc mọi miền Tổ quốc như bưởi, cam, mận quân, vú sữa, mít, xoài, vải, dừa, hồng, nhãn,…Vườn hoa với các loại hoa gần gũi thân thuộc với từng người dân Việt Nam như hoa sen, hoa nhài, hoa ban, điệp vàng, hoa sứ, hoa mộc… Trong vườn cây trái xanh mướt, nhiều loại cây và hoa được đưa về từ vùng miền khác nhau của đất nước. Vườn cam, bưởi của quê hương Nghệ An, cây vải Hải Dương, cây dừa, cây vú sữa miền Nam, hoa ban của núi rừng Tây Bắc…Có cây cổ thụ đã hiện hữu hơn nửa thế kỉ trôi qua như cây đa do đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Cố Bộ trưởng Bộ giao Thông vận tải, Phó Thủ tướng trồng năm 1968. Cây Vú sữa 45 năm do đồng chí Phạm Văn Đồng, Cố Thủ tướng Chính phủ trồng (1976). Hay cây Xoài: đồng chí Trung tướng, Phó thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên trồng vào năm 1986 với tuổi đời gần 40 năm. Du khách khi về thăm Làng Sen, quê nội Bác Hồ đều muốn lưu giữ hình ảnh cây đa sừng sững ngay trung tâm trước cổng Khu trưng bày và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cây đa do đồng chí Trường Chinh, lúc bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội đã trồng vào năm 1976. Muôn cây hội tụ đã góp thêm hương thêm sắc cho quê hương, đất nước mãi mãi xanh tươi, vững bền.
Trồng cây đã trở thành một nét đẹp truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam. Kể từ ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây (1959) đến nay đã 65 năm nhưng ý nghĩa sâu sắc vẫn còn nguyên giá trị mọi thời đại. Mỗi cây được trồng sẽ đem đến màu xanh cho cả xã hội, những thế kỷ xanh sẽ mãi nối tiếp nhau góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường, bảo vệ sinh thái, làm cho “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Trong những năm qua, phong trào trồng cây trên khắp cả nước cũng đã đạt được những kết quả hết sức to lớn. Công tác bảo vệ và phát triển cây xanh tiếp tục được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đến ngày nay có các phong trào: Trồng cây làm theo lời Bác, Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ là những dấu ấn đậm nét về quyết tâm học tập và làm theo lời Bác của nhân dân ta. Nhân dịp đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024, các đoàn đại biểu đã về trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Kim Liên.  Ban Giám đốc cùng cán bộ, chiến sĩ Công an Nghệ An đã tham gia trồng hơn 2.500 cây Mai Cần, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan “Xanh - sạch - đẹp” trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
               Đã 55 năm ngày Bác Hồ kính yêu đi xa, đất trời trải qua biết bao mùa Xuân mới. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với tình yêu thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên để phát triển bền vững của Bác đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn, là ánh sáng soi đường cho mỗi chúng ta. Du khách về Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, vào dâng hoa dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ được dạo thăm, chiêm ngưỡng, thả hồn trong không gian trong trẻo của miền quê thanh bình và xanh mát với vẻ đẹp của vườn cây xung quanh Khu trưng bày, Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Khu di tích Kim Liên là điểm tham quan không thể thiếu mỗi khi về xứ Nghệ, là nơi lý tưởng để giáo dục đạo đức cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh cho muôn đời con cháu mai sau./.
 
 
Hà Lê – Chung Lê
 

Thông tin tham quan

Liên kết website